Dao đi phượt có phải là vũ khí nguy hiểm?

Các sản phẩm dao đi phượt được rao bán công khai trên các trang mạng với giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Người mua chỉ cần làm vài động tác cơ bản để đặt hàng là có ngay loại dao mà mình thích.

Dao phượt nhìn như dao găm

Chị Lam Nguyên ở quận 3, TP.HCM, cho biết một lần kiểm tra cặp của con trai đang học lớp 10, chị phát hiện một con dao bằng kim loại nhọn hoắt, nhìn như dao găm. “Gặng hỏi thì con tôi cho biết thấy nó đẹp và thích nên mua nó trên trang mạng Tiki, để dành đi phượt với bạn bè. Dĩ nhiên là ngay sau đó tôi đã tịch thu con dao này và cho con biết không nên giữ bên mình vật này vì rất nguy hiểm” - chị kể.

Theo bạn Trương Minh Tú, sinh viên một trường đại học ở TP.HCM, nhóm bạn của mình ai cũng có mua một con dao kiểu này để dành đi phượt và phòng thân. Đây là loại dao được mua trên các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee rất dễ dàng với tên gọi là dao đi phượt. Khi PV hỏi đã dùng con dao này trong trường hợp phòng thân lần nào chưa, bạn Tú cho biết chưa dùng lần nào nhưng cảm thấy rất tự tin khi có vật này bên người khi đi vào những nơi xa xôi, vắng người!

Cũng theo chị Lam Nguyên, bản thân chị và các phụ huynh khác cũng rất lo lắng khi thấy các loại dao này được bán rộng rãi như vậy trên mạng. Ai cũng có thể mua được, kể cả trẻ nhỏ cũng có thể đặt mua. Ai có thể đảm bảo rằng chỉ dùng con dao này đi phượt mà không dùng vào mục đích xấu nào khác. Trong lúc bốc đồng, nóng giận, lại sẵn dao trong người thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Nhiều loại dao phượt đa dạng về mẫu mã được rao bán trên một trang thương mại điện tử. (Ảnh chụp ngày 25-9) Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Tiki, Shopee nói gì?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện trang thương mại điện tử Tiki cho biết đã rà soát và kiểm tra lại sản phẩm trên hệ thống. Theo quy định hiện hành (Thông tư 21/2019 của Bộ Công an) thì cấm kinh doanh sản phẩm dao găm nhưng thông tư này lại không định nghĩa cụ thể về khái niệm dao găm, không có số kỹ thuật, độ dài...

“Do đó, khi duyệt sản phẩm để cho phép lên sàn, Tiki chưa đủ cơ sở kết luận sản phẩm dao phượt có thuộc vào danh mục sản phẩm cấm, cụ thể thuộc vào hình thức dao găm hay không. Tuy nhiên, để đảm bảo yếu tố tuân thủ pháp luật, Tiki đang rà soát tổng thể một lần nữa các loại hình sản phẩm dao phượt và sẽ có biện pháp phù hợp đối với những sản phẩm tương tự khi lên sàn” - đại diện Tiki cho biết.

Tương tự, trang thương mại điện tử Shopee cũng cho rằng mặt hàng dao phượt là dụng cụ dùng cho mục đích cá nhân khi đi cắm trại, du lịch, không phải công cụ hỗ trợ hay vũ khí theo định nghĩa tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Mặt hàng dao phượt cũng không nằm trong danh mục cấm trong Thông tư 21/2019 của Bộ Công an.

“Trên cơ sở đó, mặt hàng dao phượt không phải là công cụ hỗ trợ và việc sử dụng không cần phải có chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” - Shopee khẳng định.

Đại diện Shopee cho hay đã có văn bản gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn thêm về mặt hàng dao phượt.

Người dân không nên mang theo dao bên người

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Minh Thơ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM, cho biết pháp luật hiện tại nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm dao găm, kiếm, giáo, mác… (theo khoản 4, khoản 6 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2017).

Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương...

“Các quy định pháp luật hiện hành không quy định dao đi phượt là vũ khí. Để xác định được dao phượt có phải là vũ khí thô sơ hoặc vũ khí có tính năng tác dụng tương tự cần có kết luận giám định của một trong ba cơ quan sau: Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Quốc phòng” - Trung tá Nguyễn Minh Thơ cho biết.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Minh Thơ, các trường hợp người dân mang dao trong người hoặc trong xe đều gây ra bất lợi cho người dân khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. Trong các trường hợp này, tang vật là dao sẽ bị tạm giữ để giám định về mức độ sát thương, mức độ nguy hiểm… Nếu kết quả giám định là vũ khí thì người sử dụng, tàng trữ sẽ bị xử phạt hành chính rất cao, nặng hơn là truy tố hình sự.

Trung tá Nguyễn Minh Thơ cũng khuyến cáo người dân không nên mang theo dao hay các công cụ hỗ trợ, vũ khí khác nhằm mục đích tự vệ mà nên có các biện pháp tự vệ phù hợp hơn như không đi một mình trên các đoạn đường vắng, nếu bị tấn công, xâm hại nên tri hô và trình báo với lực lượng chức năng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm