Đạo diễn phim 'Ông cố vấn' qua đời

Sinh năm 1928, cả đời đạo diễn Lê Dân sống trọn với niềm đam mê điện ảnh một cách vô tư. Thời niên thiếu, là một học sinh giỏi  của Trường Pétrus Ký, ông sang Pháp năm 1946 để theo học môn kinh tế và luật. Thế nhưng, tại Pháp, vào năm 1950, nhân tham dự lễ hội đường phố của Liên hoan phim Cannes mở ra một thế giới đầy tuyệt đẹp và mộng mơ, thế là ông phát hiện ra mình say mê điện ảnh.

Lê Dân ghi danh một lúc hai trường điện ảnh tại Paris là Học viện Cao đẳng Điện ảnh và Học viện Nghiên cứu Điện ảnh. Về nước năm 1952 ông bước luôn vào thế giới điện ảnh cho tới cuối đời.

Ông trở thành một cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam với các phim: Hồi Chuông Thiên Mụ, Loan mắt nhung, Tình Lan và Điệp, Sau giờ giới nghiêm, Trần Thị Diễm Châu, Trường tôi, Nhà tôi, Xóm tôi, Hoa mới nở... của thời điện ảnh Việt Nam sơ khai ở thập niên 1950 đến những năm hưng thịnh 1970. Những tác phẩm điện ảnh thời kỳ này của ông đã giúp tên tuổi các minh tinh màn bạc Việt nam trước 1975 tỏa sáng như: Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Huỳnh Thanh Trà, Túy Hồng, Băng Châu...

Đạo diễn Lê Dân và diễn viên Giáng My  tại Liên hoan phim Cannes  2011

Sau 1975, đạo diễn Lê Dân vẫn tiếp tục làm đạo diễn nhiều bộ phim nổi bật như: Cánh đồng mơ ước, Trang giấy mới, Đứa con bị từ chối, Con mèo nhung, Pho tượng, Tiếng sóng, Hai chị em, Dòng sông không yên, Xương rồng đen, Người con gái Đất Đỏ, Mặt trận không tiếng súng, Ông cố vấn, Cội nguồn, Ngoại tình, Một cơn mê...

Ông từng được trao các giải thưởng: Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1982 với phim Con mèo nhung. Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần 6 năm 1983 với bộ phim Pho tượng. Giải Bông sen bạc LHP VN lần10 năm 1993 và Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1994 với phim Xương rồng đen - phim giúp diễn viên Việt Trinh bước từ loại phim mì ăn liền sang phim nghệ thuật…

Đạo diễn Lê  Dân và diễn viên Giáng My giới thiệu tác phẩm điện ảnh Những bức thư từ Sơn Mỹ

Năm 2009, trong cơn sốt thành lập các hãng phim tư nhân với làn sóng nhà nhà làm phim thị trường yêu đương tay ba tay tư, ông bỏ hơn 6 tỉ đồng thực hiện bộ phim Những bức thư từ Sơn Mỹ. Phim tái hiện cuộc thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) ngày 16-3-1968 tại thôn Mỹ Lai, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Với đam mê làm phim, ông từng ôm ấp nhiều dự án dạy và làm phim nghệ thuật cho điện ảnh trong nước qua liên kết với các hãng phim và các trường điện ảnh quốc tế. Ông luôn đề cao lý tưởng về tính dân tộc trong các tác phẩm điện ảnh...

Với tinh thần đam mê nghệ thuật trong sáng và những cống hiến cho điện ảnh Việt Nam như thế, đạo diễn Lê Dân luôn được giới làm nghề yêu mến, quý trọng. Ông mất đi để lại một sự thương tiếc lớn trong làng điện ảnh Việt Nam và công chúng.

Lễ nhập quan đạo diễn Lê Dân diễn ra lúc 20 giờ tối nay 26-2. Lễ viếng bắt đầu từ 6 giờ sáng 27-2 tại nhà riêng của đạo diễn Lê Dân ở quận 12, TP.HCM.

Lễ di quan tiến hành lúc 6 giờ sáng 1-3,đưa đi an táng tại nghĩa trang Bình Dương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm