Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, cơ sở giáo dục ĐH khối ngành sức khỏe yêu cầu các nơi này không thực hiện đào tạo định hướng chuyên khoa. Công văn ít nhiều gây xôn xao cho những người có ý định và đang theo học định hướng chuyên khoa.
Chuẩn hóa nguồn nhân lực
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho biết hiện nay trong sự phát triển của kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, những chương trình đào tạo ngắn hạn, đặc biệt là đào tạo chuyên khoa định hướng, hay gọi là chuyên khoa sơ bộ (CKSB) lại không có thể chế hóa.
Trong quá trình triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh có những bất cập cần thay đổi. Chẳng hạn, có những người vừa mới tốt nghiệp ĐH xong mà chỉ học chương trình ngắn hạn theo từng chuyên ngành khác nhau, lại đăng ký để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên khoa như là những người đào tạo bác sĩ chuyên khoa chính quy được cấp bằng chuyên khoa I, chuyên khoa II, nội trú. Ngoài ra, có những trường hợp chỉ học chuyên khoa định hướng nhưng đã được hành nghề theo phạm vi chuyên khoa đó.
“Đó là những vấn đề mà chúng tôi thấy rất bất cập. Do vậy, để đảm bảo chuẩn hóa về nguồn nhân lực, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh thì cần phải có điều chỉnh, trong thời gian tới chúng tôi tiếp cận theo hướng để được gọi bác sĩ chuyên khoa thì phải được đào tạo theo các chương trình chuyên khoa chính quy. Còn lại trong quá trình hoạt động chuyên môn, nếu những người được hành nghề là đa khoa nhưng có thể muốn làm một số kỹ thuật, nội dung mà thiên về một lĩnh vực nào đó thì có thể học các chương trình sáu tháng trở lên để được thực hiện các chương trình chuyên môn đó. Tuy nhiên, những chương trình đó cần được chuẩn hóa về yêu cầu đầu vào, chứ không phải bất kỳ đối tượng nào cũng được học, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn dịch vụ y tế và chất lượng nguồn nhân lực y tế” - ông Lợi cho biết chủ trương Bộ Y tế chỉ đạo không đào tạo định hướng chuyên khoa.
Cũng theo ông Lợi, người học vẫn có thể tiếp tục học những chương trình các đơn vị đào tạo để nâng cao năng lực nhưng không được gọi là định hướng chuyên khoa. Ví dụ, học về siêu âm chỉ gọi là chương trình siêu âm tổng quát. Trong việc điều chỉnh này, việc đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, nội trú vẫn hoạt động bình thường, không ảnh hưởng gì.
Một ca phẫu thuật nội soi tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: HL
Học nhiều khóa gây tốn kém
Trao đổi về vấn đề này, PGS Nguyễn Đức Hinh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết Bộ Y tế đang đi đúng hướng, cần đẩy nhanh và đồng bộ hơn.
PGS Hinh cho biết hiện nay bức tranh chung của quá trình đào tạo nguồn nhân lực ngành y của nước ta là sau khi học xong sáu năm ĐH y khoa, sinh viên ra trường sẽ đi làm luôn, sau đó mới học định hướng chuyên khoa, tiếp đó là chuyên khoa I, chuyên khoa II.
“Quá trình học này gây ra bất cập là phải đi học rất nhiều lần, mỗi lần học bị rời rạc, gây tốn kém cho xã hội. Cạnh đó, với cách đào tạo định hướng chuyên khoa như hiện nay thì nhiều khi đến 40 tuổi, bác sĩ mới có được tay nghề để phục vụ nhân dân” - PGS Hinh nói.
Bỏ định hướng chuyên khoa để nâng trình độ chuyên môn Một bên học sáu năm ra trường đi làm luôn và một bên học 8-9 năm ra trường mới phục vụ nhân dân thì nhân lực bên nào chất lượng hơn. Đó là lý do Bộ Y tế bỏ định hướng chuyên khoa để hạn chế tình trạng phải đi học quá nhiều, trình độ chuyên môn được nâng cao hơn để phục vụ nhân dân tốt hơn. PGS NGUYỄN ĐỨC HINH, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội |
Là một đơn vị nhiều năm đào tạo định hướng chuyên khoa, PGS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, đồng tình việc dừng đào tạo định hướng chuyên khoa là hướng đi đúng đắn, cần thiết, đồng bộ, phù hợp xu thế đào tạo trên thế giới.
Theo PGS Trường, nhìn lại quá khứ, trong một giai đoạn lịch sử, định hướng CKSB đã phát huy giá trị trong điều kiện thiếu thốn nhân lực bác sĩ. Sau này khi nhu cầu về bác sĩ đã được đáp ứng phần nào, sự đòi hỏi về chất lượng của bác sĩ và hòa nhập quốc tế là cần thiết. Để đáp ứng với dự án lớn về cải cách nguồn nhân lực trong ngành y tế đang được Chính phủ phê duyệt thì việc tuân thủ và đồng bộ trong hệ thống đào tạo là rất cần thiết.
Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định rõ ràng người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành 18 tháng tại bệnh viện đối với bác sĩ là để nhằm nâng cao tay nghề thực hành cho bác sĩ trước khi chính thức hành nghề.
Tuy nhiên, có những trường hợp đã tranh thủ sử dụng thời gian này để đi học các lớp định hướng mỗi sáu tháng (thậm chí học 2-3 lớp CKSB liên tục) sau đó yêu cầu các sở y tế phải cấp chứng chỉ hành nghề chuyên khoa (mà thực tế mỗi chuyên khoa phải học 2-3 năm) như vậy là không đúng chủ trương đào tạo của ngành y tế và đường lối chung của Nhà nước. “Hơn nữa, một sinh viên học y phải học sáu năm dài hơn so với học các ngành nghề khác thì việc không phải đóng tiền học tiếp tục cho các khóa CKSB trước khi học chính thức cũng là tốt vì đã giúp cho họ tiết kiệm nhiều chục triệu đồng. Việc học mở rộng kiến thức cũng không bị ngăn cản và đã được quy định rõ trong các quy định khác của ngành y tế” - PGS Trường nói.
Hội nhập đào tạo y khoa thế giới Sắp tới, Việt Nam sẽ hội nhập theo xu hướng đào tạo y khoa trên thế giới. Cụ thể, sau khi học xong sáu năm ĐH y khoa, người học ra trường không đi làm luôn mà học luôn chuyên khoa, chuyên khoa sâu trong ba năm tiếp theo. Tổng kết lại sau chín năm ra trường, lúc này khoảng 28-29 tuổi, họ đã đạt được trình độ nhất định để phục vụ nhân dân. Trong quá trình học chuyên khoa sâu, họ sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. |