Nhằm hướng tới một chương trình đào tạo mới cho ngành y, vừa qua TS Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đã chỉ ra nhiều điểm còn vướng mắc trong Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Theo ông Lợi, Luật GDĐH cần có cơ chế riêng cho ngành y tế, sửa đổi theo hướng phát triển chung của thế giới để chứng chỉ hành nghề của bác sĩ (BS) Việt Nam được thế giới công nhận. Tuy nhiên, ý kiến của đại diện Bộ Y tế đã nhanh chóng được bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT, lý giải theo hướng Luật GDĐH sửa đổi đã xem xét ý kiến nhiều chiều và đang được thực hiện đúng.
Bộ GD&ĐT không thể một mình xây hệ thống
Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thị Kim Phụng lập luận: Việc quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm (BS, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư…) trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới.
Cũng liên quan đến nội dung này, ngày 6-11, tại buổi góp ý cho dự thảo Luật GDĐH sửa đổi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho biết có ba loại hình GDĐH hiện nay được công nhận trên thế giới là giáo dục học thuật (academic education), giáo dục nghề nghiệp (vocational education) và giáo dục chuyên nghiệp (professional education).
Loại hình thứ ba cần đào tạo các học viên sau khi có bằng cử nhân có thể làm những công việc đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp. Do đó một mình Bộ GD&ĐT không thể xây dựng được hệ thống giáo dục rất đặc thù này. Hệ thống này cần có sự hợp tác của Bộ GD&ĐT và các bộ khác, các tổ chức nghề nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp. “Cần thiết kế một chương trong Luật GDĐH về giáo dục chuyên nghiệp, chương trình giáo dục chuyên nghiệp với các quy định rất rõ ràng về vai trò của Bộ GD&ĐT và các bộ, các tổ chức khác có liên quan trong việc đào tạo, sát hạch cũng như cấp bằng cho mô hình đào tạo hết sức quan trọng này trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”.
Còn đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho biết: Trong sáu năm học tập để trở thành BS không giống những chương trình cử nhân khác. Nội dung chương trình đào tạo phức tạp hơn các chương trình cử nhân bốn năm với thời gian đào tạo dài hơn 1-2 năm.
Sinh viên y khoa đang thực tập tại BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: HTD
Sau đào tạo đại học là đào tạo chuyên khoa sâu, có BS chuyên khoa I, BS chuyên khoa II và BS nội trú. Riêng đối với đào tạo BS nội trú là chín năm. Những đối tượng này không thể hòa cùng với trình độ và văn bằng là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được nhưng trình độ và văn bằng chuyên sâu chưa được quy định trong dự thảo trình lần này. Vậy trình độ và văn bằng chuyên sâu sẽ được quy định ở luật nào? Cần có quy định cụ thể riêng đối với đào tạo nhân lực y tế.
“Tôi đề nghị bổ sung và sửa khoản 1 Điều 6 thành “Các trình độ đào tạo của GDĐH quy định tại luật này bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, trình độ chuyên gia. Chính phủ quy định trình độ chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng chuyên sâu đặc thù”” - bà Yến nêu ý kiến.
Ngành y bị gạt ra khỏi chương trình đào tạo
Đồng tình với ý kiến của bà Yến, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cũng cho rằng loại hình đào tạo BS nội trú có thể nói là nguồn nhân lực tinh túy, chất lượng cao của ngành y tế. Còn loại hình đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II cũng để đào tạo đội ngũ chủ lực trong khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân. Các loại hình đào tạo này đã tồn tại mấy chục năm nay, được hệ thống giáo dục xã hội và thế giới công nhận.
“Bản thân tôi cũng là một BS chuyên khoa I, tôi rất băn khoăn khi trong dự thảo Luật GDĐH lần này bỏ mất trình độ và văn bằng chuyên sâu. Trong khi thực tế đây không phải vấn đề mới do thực chất Điều 39 Luật Giáo dục năm 1998 đã quy định và có những hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới luật. Không hiểu sao trong những luật sau thì không quy định loại hình đào tạo cũng như loại văn bằng này. Tôi và rất nhiều cán bộ y tế trong ngành cảm thấy mình bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo chung và rất tâm tư khi không biết mình đang đứng ở đâu và được ai công nhận. Do đó tôi đề nghị ngay trong dự thảo luật lần này cần quy định rõ trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hoặc trình độ chuyên gia, điều này cũng phù hợp với thực tiễn trong nước và trên thế giới” - bà Nguyệt trình bày.
Tại Điều 73 về đào tạo y khoa giao cho Chính phủ quy định. Tôi cho rằng quy định này còn mang tính chung chung, mơ hồ, chưa đi được vào thực tế trong cuộc sống. Vì không biết bao giờ Chính phủ mới tập trung họp để triển khai đánh giá vấn đề còn tồn đọng ở các trường đào tạo y khoa. Hiện nay việc đào tạo BS chuyên khoa gần như chưa chính thức, chưa chính danh. Điều này có thể giảm chất lượng đào tạo y khoa, khó có thể hội nhập với quốc tế. Đại biểu NGUYỄN ANH TRÍ (Đoàn Hà Nội) |