Dẫn nguồn tin giấu tên, tờ Vedomosti cho biết giới chức Bộ Ngoại giao và Giao thông Nga đã tiến hành thảo luận một số biện pháp buộc các hãng hàng không của Liên minh châu Âu (EU) phải đi đường vòng nhằm kéo dài quãng đường di chuyển và đội chi phí lên cao cũng như khiến họ mất ưu thế cạnh tranh trước các công ty châu Á. Trước đó, phương Tây đã ban hành lệnh cấm vận với môt hãng hàng không nhà nước và một công ty hàng không tư nhân của Nga.
Vào cuối ngày 5/8, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã yêu cầu chính phủ chuẩn bị các biện pháp đáp trả việc châu Âu thi hành lệnh trừng phạt tăng cường với Nga. “Dĩ nhiên, các biện pháp cần được tính toán thận trọng để vừa hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước vừa không ảnh hưởng tới khách hàng”, ông Putin nhấn mạnh.
|
Air France là một trong những hãng hàng không chịu thất thu nếu Nga áp đặt lệnh cấm bay qua không phận Siberia. |
Theo Vedomosti, hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot cũng có thể bị tác động do hụt nguồn phí thu từ các hãng khác phải trả khi bay qua lãnh thổ Nga. Mỗi năm, họ thu được 300 triệu USD từ hoạt động này.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải và hàng không dân sự Nga đã từ chối bình luận về khả năng đáp trả lệnh trừng phạt của EU liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh căng thẳng, phần lớn các hãng hàng không phương Tây đều không thể bay qua không phận Nga để tới các thành phố châu Á. Thay vào đó, họ buộc phải khai thác các tuyến bay qua vùng Vịnh hoặc sân bay Anchorage, Alaska của Mỹ.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hãng hàng không châu Âu lại đang bay qua không phận Siberia để đáp ứng số lượng chuyến bay ngày một tăng tới các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi bay qua Siberia, các hãng hàng không này phải trả một khoản phí và đây là vấn đề tranh cãi lâu nay giữa Brussels và Moscow.
Theo đó, các đại gia hàng không như Lufthansa, British Airways và Air France lo ngại sẽ mất thêm khoảng 1,3 tỷ USD nếu bị cấm 3 tháng. Bởi lệnh hạn chế của Nga sẽ khiến các hãng hàng không châu Âu phải kéo dài hành trình bay, chi phí nhiên liệu tăng cao cùng một số khoản kinh phí phụ trợ. Song, ngay cả lợi nhuận của hãng hàng không nhà nước Nga Aeroflot cũng sẽ bị ảnh hưởng do hụt nguồn phí thu từ các đối tác nước ngoài.
Cả British Airways và Lufthansa cho biết họ vẫn đang vận hành khoảng 180 chuyến bay qua không phận Siberia hàng tuần.
Sau sự kiện Nga sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine hồi tháng Ba và chiếc máy bay MH17 của hàng không Malaysia bị bắn rơi tại miền đông Ukraine hôm 17/7 trước cáo buộc quân nổi dậy thân Moscow là thủ phạm, EU đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga.
Tuần trước, hãng bay giá rẻ Dobrolyot thuộc Aeroflot đã phải ngừng hoạt động, sau khi hàng loạt hãng cho thuê máy bay, bảo dưỡng, sửa chữa hủy hợp đồng với họ vì nằm trong danh sách đen của EU.
Lệnh trừng phạt của Mỹ còn nhằm vào những nhân vật có quan hệ mật thiết với Tổng thống Putin. Điển hình, tỷ phú Gennady Timchenko cho biết công ty Gulfstream của Mỹ đã ngừng cung cấp các dịch vụ đối với công ty hàng không tư nhân của ông.
Theo đó, Gulfstream đã ngừng ký kết bất cứ bản hợp đồng nào với công ty của Timchenko và không cung cấp các phụ kiện thay thế cũng như cấm phi công sử dụng hệ thống định vị hàng không.
Tuy nhiên, ông Timchenko nhấn mạnh giới doanh nghiệp Nga sẽ không gây áp lực buộc Tổng thống Putin thay đổi chiến lược tại Ukraine dưới tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Vedomosti, tờ báo tiếng Nga được xuất bản theo sắc lệnh của Sa hoàng Nga – Pyotr Đại đế ký ngày 16/12/1702. Số báo đầu tiên phát hành ngày 2/1/1703.
Theo MINH THU /Infonet