Trừng phạt Nga: Mỹ đã tính sai nước cờ?

Nếu “gấu” Nga và voi Mỹ trừng phạt lẫn nhau mạnh tay, “thế chiến kinh tế” sẽ trở nên rất tồi tệ, trong đó nước nhỏ không khỏi bị liên lụy.

Trung tuần vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU bằng lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản từ các quốc gia EU. Mỹ và các đồng minh của mình dùng sức ép kinh tế buộc Nga phải thay đổi lập trường trước căng thẳng tại khu vực Ukraine.

Mối quan hệ Nga-Mỹ trở nên tồi tệ nhất trong vòng 25 năm trở lại đây kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đang dấy lên rất nhiều quan ngại cho cục diện chính trị quốc tế.

Không bên nào chấp nhận nhượng bộ

Căng thẳng giữa Nga-Mỹ và EU leo thang kể từ tháng 3-2014 khi Nga công khai sáp nhập bán đảo Crimea và những người ủng hộ Nga ở khu vực miền Đông Ukraine đòi ly khai khỏi Kiev. Sự việc trở nên tồi tệ khi Mỹ tiếp tục có những cáo buộc Nga có liên quan khi đã cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai bắn hạ máy bay hãng hàng không Malaysia (MH17) làm 298 người chết vào tháng 7.

Từ giữa tháng 3-2014, Mỹ, EU, Canada đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với một số cá nhân và hai công ty của Nga. Mỹ tiếp tục tiến hành lệnh trừng phạt đối với 17 công ty, bảy cá nhân được cho là có mối quan hệ mật thiết với Nga vào 28-4.

Tiếp sau đó cả Nhật Bản, Úc, New Zealand, Canada và EU đều tuyên bố ủng hộ chính sách này. Thậm chí EU còn tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt đối với 15 cá nhân và 18 tổ chức vào ngày 25-7, con số này tăng thêm tám cá nhân và ba tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Nga bao gồm vũ khí, năng lượng và tài chính. Ba ngân hàng lớn của Nga là VTB Bank OAO, Ngân hàng Moscow và Ngân hàng Nông nghiệp Nga đều bị dừng giao dịch tại thị trường Mỹ. Mỹ cấm giao dịch mua bán vũ khí, xe tăng với một số công ty lớn của Nga như Kalashnikov Concern. Tổng thống Mỹ Obama cho rằng các gói trừng phạt mới là do: “Nga và Tổng thống Putin đã lựa chọn”.

Nếu gấu Nga và Mỹ trừng phạt lẫn nhau mạnh tay, “thế chiến kinh tế” sẽ trở nên rất tồi tệ, trong đó nước nhỏ không khỏi bị liên lụy. Ảnh: theguardian

Đồng quan điểm với Mỹ, EU cũng ban hành các lệnh cấm đối với các ngân hàng nhà nước của Nga giao dịch tại thị trường phương Tây. Bên cạnh đó là lệnh cấm vận quân sự, xuất khẩu công nghệ và kỹ thuật sang Nga. Thủ tướng Đức Merkel phát biểu việc EU trừng phạt Nga là không thể tránh khỏi. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức còn nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu là bảo đảm hòa bình và ổn định hơn là các lợi ích kinh tế.

Đáp lại hành động cưỡng bức trên, Thủ tướng Nga Dmitry Dedvedev vừa công bố danh sách các sản phẩm nông nghiệp bị cấm nhập khẩu vào Nga bao gồm thịt, các sản phẩm sữa từ Mỹ, EU, Úc, Canada và Na Uy trong cuộc họp mới đây vào thứ Năm (7-8) vừa qua. Thậm chí trong những ngày qua, các cơ quan an toàn thực phẩm đã có lệnh cấm đối với trái cây, rau quả của Ba Lan và kiểm tra các sản phẩm của cửa hàng McDonald. Đồng thời, Nga cũng đang xem xét áp dụng các hạn chế đối với các hãng hàng không châu Âu đang khai thác đường bay đi ngang qua khu vực Siberia.

Chính trị “đánh nhau”, kinh tế lãnh đủ

Nền kinh tế Nga nếu so ra chỉ tương đương với Ý. Thế nhưng Nga lại sở hữu nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ. Các quốc gia EU là khu vực nhập khẩu đến 45% nguyên liệu thô từ Nga. Đức nhập khẩu đến 40% khí gas từ Nga. Và ngược lại, sản phẩm nhập khẩu từ EU vào Nga chỉ chiếm khoảng 3%. Hiện nhiều nước châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Như Ba Lan phụ thuộc đến 80%, các quốc gia Baltic và Phần Lan hầu như phụ thuộc 100%. Để đối phó với các đòn trừng phạt kinh tế, Nga tuyên bố công ty dầu khí Gazprom sẽ không phụ thuộc vào các hợp đồng nhập khẩu từ bên ngoài, ước tính giá trị hợp đồng lên đến 166 triệu bảng Anh.

Ý thức được điều này, các biện pháp của EU nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Nga phục vụ cho khai thác nguồn năng lượng, đặc biệt là cho các dự án của Nga ở vùng biển sâu, khai thác khí đá phiến ở Bắc Cực. Tuy rằng EU sẽ mất khoảng 150 triệu bảng Anh khi dừng xuất khẩu công nghệ sang Nga nhưng con số này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng giá trị xuất khẩu của EU.

Còn Nga sẽ chịu nhiều gánh nặng hơn khi cần vốn và công nghệ cao từ phương Tây. Lĩnh vực khai thác dầu khí của Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn. Công ty Total hiện đang nắm giữ 18% cổ phiếu của công ty khí gas tự nhiên Novatek của Nga đã dừng mua cổ phiếu kể từ sau thảm họa máy bay MH17. Công ty BP hiện đang nắm giữ 10% cổ phần của công ty năng lượng Nga Rosneft cũng đang chịu chung số phận khi giá trị cổ phần ước tính giảm khoảng 1,47 đến 7,67 tỉ bảng Anh.

Về lĩnh vực tài chính, IMF ước tính 100 tỉ USD vốn đầu tư bị rút dần khỏi Nga trong năm nay. Lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến 30% khối lượng tài sản ngân hàng của Nga bị phong tỏa. Thị trường chứng khoán thế giới cũng trải qua thời kỳ ảm đạm khi mà cổ phiếu của Đức German Dax giảm giá trị 5%. Hay Ngân hàng Deutsche và Societe General của Đức có quan hệ thương mại lớn với Nga cũng chịu tổn thất.

Các nhà sản xuất như Adidas mới đây cũng công bố thu hẹp hoạt động ở Nga. Hãng xe Volkswagen báo cáo hoạt động kinh doanh ở Nga đã giảm 8%. Các khoản vay từ ngân hàng nước ngoài của Nga từ 25 tỉ USD xuống còn 7,9 tỉ USD trong nửa đầu năm 2014.

Tuy nhiên, theo một khía cạnh khác, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến Nga buộc phải mạnh mẽ hơn, giới tài chính Nga có thể xoay xở độc lập mà không cần đến thị trường toàn cầu. Các chuyên gia còn cho rằng lệnh trừng phạt chỉ mang tính biểu tượng khi mà các công ty thẻ tín dụng như Mastercard, Visa vẫn giao dịch bình thường. Anh và Pháp dự báo sẽ chịu tổn thất khi mà 200 hợp đồng xuất khẩu vũ khí vào giữa tháng 7 vừa qua có nguy cơ bị treo.

Hành động đáp trả của Nga khi cấm nhập khẩu nông sản từ EU cũng khiến thị trường xuất khẩu các quốc gia này lao đao. Năm ngoái Nga nhập khẩu lương thực lên đến 43 tỉ USD. Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU, chiếm 28% xuất khẩu trái cây và 25% rau quả. Kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu thô vào Nga ước tính 12,2 tỉ euro.

Kể từ khi tình hình Ukraine căng thẳng, Ủy ban châu Âu cho biết lượng thịt heo xuất khẩu đã cắt giảm 25% khiến nhiều nông dân ở các quốc gia này chịu tổn thất đáng kể. Đồng thời, Nga cũng là khách hàng lớn thứ hai của Mỹ khi chiếm đến 8% lượng thịt gà xuất khẩu.

Các biện pháp tiếp theo của Nga cũng khiến EU phải dè chừng khi có tin Nga sẽ hạn chế khai thác đường bay của các hãng hàng không EU qua khu vực Siberia. Và khả năng giá khí đốt và dầu tại EU sẽ tăng khi mùa đông sắp tới.

Các chuyên gia nhận định thêm về tác động xấu đến giá trị của đồng đôla Mỹ sau hành động trừng phạt vừa qua. Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá trị đồng đôla sụt giảm khi chỉ chiếm 61% tỉ lệ tiền dự trữ so với 72% trước đây.

Theo nguồn tin từ Moscow, giao dịch thương mại giữa đồng tiền của Trung Quốc và Nga đã tăng ở mức cao nhất vào cuối tháng 7 vừa qua. Hàng loạt công ty tư vấn và kiểm toán lớn của phương Tây như Deloitte, Ernst &Young, KPM, PricewaterhouseCoopers, the Boston Consulting Group và Mckinsey đang lọt vào tầm ngắm của giới chức trách Nga trong các lệnh trừng phạt tiếp theo.

Mỹ có nhiều lựa chọn tối ưu hơn là trừng phạt

Tổng thống Nga Putin sẽ củng cố quyền lực và đưa nước Nga vượt qua thử thách này khi ông tuyên bố trước dân chúng rằng các hành động đáp trả là bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông Putin chỉ rõ các ưu tiên hiện nay trong chính sách đối nội như cải thiện mối quan hệ đa sắc tộc của Liên bang Nga rộng lớn, duy trì ổn định chính trị và trật tự trong nước, phát triển kinh tế - xã hội, luôn cảnh giác với bất kỳ khu vực nhạy cảm gây ảnh hưởng đến Nga.

Vì thế bất kỳ động thái nào của Mỹ cũng sẽ được xem như đe dọa đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Khủng hoảng Nga-Mỹ, EU lần này cũng tạo ra cơ hội để nước Nga giảm phụ thuộc vào các lĩnh vực quan trọng do phương Tây quản lý như công nghệ, kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, Nga sẽ tái cấu trúc chính sách kinh tế, phân bổ lại nguồn lực và thu hút hợp tác với các khu vực khác. Tích cực hơn, chính phủ Nga sẽ phát động được phong trào và tinh thần ái quốc cho thế hệ trẻ trong nước thông qua áp lực đe dọa từ bên ngoài.

Theo GS Robert Legvold của ĐH Columbia, Mỹ cần xem xét lại nỗ lực cô lập Nga. Thay vào đó, quay lại hợp tác cùng Nga với tư cách như một cường quốc có vai trò dẫn đầu. Đồng thời, Mỹ phải đánh giá lại các nguy cơ sắp tới nếu đẩy căng thẳng leo thang khiến hai nước trở nên thù địch trong các thập niên tới. Các kịch bản trong tương lai cần có sức thuyết phục Nga hơn là giáng các đòn trừng phạt và thực thi ngoại giao cưỡng bức. Cuối cùng hãy để Nga - Putin có quyền lựa chọn.

AN ĐỖ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm