Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết các mục tiêu trừng phạt là có chọn lọc nhằm gây tác động tối đa đối với Nga trong khi hạn chế đến mức tối thiểu những ảnh hưởng đối với các công ty của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Ông Obama tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không có các biện pháp cụ thể để hạ nhiệt tình hình Ukraine.
Ngay cả trước khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới cứng rắn tuần trước, kinh tế của Nga đã đứng trước nhiều rủi ro lớn. Sau 15 năm tăng trưởng mạnh do giá hàng hóa tăng cao, nền kinh tế nước này đang trên đà suy thoái. Tăng trưởng chậm lại đến 0,5% trong quý đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 5%, và lạm phát vượt quá 7%; chỉ số chứng khoán chính Micex giảm 7% kể từ ngày 17/7...
Theo phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson: “Các ngân hàng Nga và Trung Quốc có thể bù đắp một chút, nhưng tất cả chỉ có vậy”. Các biện pháp trừng phạt mới đến vào thời điểm nhiều công ty, ngân hàng và cơ quan nhà nước Nga đang phải đối mặt với các khoản thanh toán nợ khá lớn trong năm tới. Chỉ riêng trong tháng 12, số tiền phải trả nợ nước ngoài đã lên tới 35 tỷ USD.
Báo cáo của Morgan Stanley dự báo rằng sự kết hợp này có thể là đủ để đẩy Nga vào suy thoái vào cuối năm 2014, cho dù giá dầu tăng cao có thể giúp kinh tế Nga có khoản bù đắp. Ngày 24/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đây chống lại Nga có thể tác động tiêu cực tới khu vực. Đặc biệt khi Liên minh Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga đồng thời cũng là khách hàng lớn nhất về dầu mỏ và khí tự nhiên.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn IMF William Murray nói: “Ở tầm khu vực, chắc hẳn (các biện pháp trừng phạt Nga) sẽ có một số ảnh hưởng”, đặc biệt là về thương mại. Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo GDP của Nga có thể sẽ giảm 1,8% trong năm nay. Trước đó, theo Reuters, Thứ trưởng Kinh tế Nga Sergei Belyakov khẳng định có những “dấu hiệu rõ ràng” cho thấy kinh tế Nga đang trong khủng hoảng.
Mặc dù Nga vẫn là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nền kinh tế Nga có tới 477 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, nhưng các biện pháp trừng phạt vẫn có thể ảnh hưởng rất nặng nề và có một vấn đề quan trọng hơn, đó là tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Andrei Konoplyanik, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Gazprom cho biết ông rất lo lắng khi chỉ số xếp hạng bị hạ và dự đoán rằng “nó ngay lập tức khiến cho cộng đồng đầu tư thêm lo lắng”.
Nước Nga có thể không cần sụ ủng hộ từ nước ngoài nhưng lại rất cần tiền của nước ngoài. Đã có hơn 63 tỷ USD đã được chuyển đổi từ đồng rúp sang ngoại tệ mạnh và chảy ra khỏi đất nước trong quý đầu tiên của năm nay. Nếu dòng chảy vốn ra nước ngoài tiếp tục tăng, Nga có thể dễ dàng vượt qua mức tổn thất đỉnh cao 120 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây 6 năm.
Trong một bài phát biểu vào năm 2008, khi đặt mục tiêu của nước Nga tới năm 2020, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố: “Chúng tôi là một đất nước tự cung tự cấp và chúng tôi không có ý định đóng cửa với thế giới và sống trong sự cô lập”. Ông Putin đã chọn lựa như vậy nhưng liệu khủng hoảng hiện thời của Nga có đưa ông đến đích của chọn lựa này?