Ngày 25-10, lãnh đạo huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã tiếp nhận bia tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma và anh hùng Nguyễn Phan Vinh do Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc phụng cúng. Tấm bia tưởng niệm này ghi danh 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma năm 1988 và anh hùng Nguyễn Phan Vinh - một huyền thoại trên tàu không số 235, hy sinh năm 1968.
Theo bà Thích nữ Giới Tánh, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc, bia tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma và anh hùng Nguyễn Phan Vinh là tình cảm, thể hiện sự tri ân của các Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc đối với các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. “Dù ở xa nhưng các Phật tử Việt Nam trên đất Hàn Quốc luôn hướng về Tổ quốc. Các Phật tử luôn nhớ mãi, tri ân sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ để bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi và các Phật tử khác sẽ đến đảo Phan Vinh trong năm tới để tự tay thắp nén hương tưởng niệm các liệt sĩ” - bà Thích nữ Giới Tánh xúc động chia sẻ. Bà cho biết thêm, kinh phí làm bia tưởng niệm, nhà đặt bia tại đảo Phan Vinh do các Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc đóng góp.
Lễ tiếp nhận bia tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma và anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Ảnh: B.KEM
Phát biểu tại buổi tiếp nhận, Đại tá Đào Giang Hải, Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa, ghi nhận tình cảm trân quý của đồng bào là Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc: “Mỗi tấm lòng của người con đất Việt dù ở đâu đều hướng về Trường Sa, về biển đảo Tổ quốc là điều rất đáng quý, trân trọng. Quân dân huyện đảo Trường Sa càng có thêm động lực, ý chí để hoàn thành các trọng trách được giao”. Đại tá Đào Giang Hải cho hay đầu tháng 11-2018, tấm bia tưởng niệm trên sẽ được vận chuyển ra đặt tại đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, huyện Trường Sa cũng đã chuẩn bị để xây dựng nhà đặt bia tưởng niệm này.
4 nghệ nhân làm việc liên tục trong 4 tháng Theo ông Nguyễn Tấn Thiên, nghệ nhân đảm nhiệm khắc bia tưởng niệm, tấm bia trên được khắc trên hai phần khối đá granite (loại đá nổi tiếng ở Khánh Hòa), nặng hơn ba tấn, cao 2,5 m. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Thiên cùng ba cộng sự khác đã làm việc liên tục trong bốn tháng để hoàn thành tấm bia này. |