Đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc Tân Phú đến Liên Khương trong năm 2025

(PLO)- Đến thời điểm hiện tại, do nhiều nguyên nhân nên chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả sẵn sàng tiếp tục thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-4, Quyền Bí thư tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Thái Học có buổi làm việc với Tập đoàn Đèo Cả về việc rà soát, triển khai Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị đứng đầu liên danh các nhà đầu tư đề xuất xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Theo đó, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là dự án mà nhà đầu tư đề xuất ứng chi phí, bỏ công nghiên cứu hơn 2 năm qua. Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án, Đèo Cả kiến nghị tỉnh Lâm Đồng đồng hành trong việc tìm kiếm ngân hàng để thu xếp vốn tín dụng, điều chỉnh các phương án, mức góp vốn nhà nước vào dự án. Bên cạnh đó cần thực hiện đồng bộ, mục tiêu thông toàn tuyến Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương trong năm 2025.

tan-phu-3.jpg
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả mong muốn thông tuyến cao tốc vào năm 2025. Ảnh: NTX

Theo ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả thì tính khả thi về tài chính của hai dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế, cần phải thực hiện đồng thời toàn tuyến Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Chúng tôi đề nghị tỉnh Lâm Đồng làm việc với nhà đầu tư đề xuất đoạn Bảo Lộc - Liên Khương để xác định kế hoạch thực hiện thông tuyến trong năm 2025, đồng thời tỉnh Lâm Đồng đảm bảo bố trí ngân sách địa phương tham gia vào 2 dự án là 6.000 tỉ đồng làm cơ sở quyết định tập trung đầu tư các dự án”- ông Hoàng đề nghị

Hiện các thủ tục quan trọng như trình thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế cơ sở, hồ sơ điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư... đang được tỉnh Lâm Đồng và nhà đầu tư khẩn trương triển khai.

tan-phu-2.jpg
Ông Nguyễn Thái Học tại buổi làm việc. Ảnh: NTX

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thái Học nhận định mặc dù thời gian qua công tác triển khai dự án quan trọng này gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cùng với sự kiên trì, tâm huyết của tập đoàn Đèo Cả đã giúp dự án có nhiều chuyển động tích cực.

Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng khẳng định Đảng bộ, chính quyền tỉnh sẽ đồng hành cùng với nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc, xác định lộ trình cụ thể, thực hiện đồng bộ 2 tuyến Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, đặt mục tiêu cuối năm 2025 thông toàn tuyến.

“Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Nhân dân tỉnh Lâm Đồng trông chờ tuyến cao tốc này để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, việc triển khai dự án đã chậm so với kế hoạch nên từ giờ chúng ta phải tập trung các nguồn lực với quyết tâm cao nhất phải tăng tốc vì cao tốc. Tinh thần đã nói là làm, đã quyết tâm thì sẽ thực hiện được, cần đưa ra lộ trình rõ ràng để các bên cùng phấn đấu. Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Lâm Đồng và bộ máy của Tập đoàn Đèo Cả phải bám vào để vận hành. Không để việc triển khai dự án bị gián đoạn” - Quyền Bí thư tỉnh Lâm Đồng nói.

tan-phu.jpg
Người dân Lâm Đồng và du khách mong mỏi dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương sớm khởi công.

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/2022 và giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời hỗ trợ địa phương 2.000 tỉ từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện dự án.

Tổng mức đầu tư ban đầu cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là 17.200 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước là 6.500 tỉ đồng, chiếm 37,79% tổng mức đầu tư. Về cơ cấu tổng mức đầu tư dự án tới nay đã có thay đổi so với chủ trương đầu tư được duyệt, theo đó dự kiến tổng mức đầu tư thay đổi lên 18.120 tỉ đồng (tăng 920 tỉ từ nguồn vốn huy động khác).

Từ tháng 5-2021, các nhà đầu tư đề xuất dự án và ngân hàng đã cam kết thu xếp khoảng 23.700 tỉ đồng để thực hiện 2 dự án thành phần là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Tuy nhiên, đến thời điểm này các nhà đầu tư khác do nhiều nguyên nhân đã không hiện cam kết thu xếp vốn tham gia dự án, chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả vẫn kiên trì, tiếp tục thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm