'Đất nuôi ngao, hàu sốt hơn đất ở thành phố'

(PLO)- Tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-4, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức buổi Tọa đàm "Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cơ hội và thách thức".

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Trí Tuân, Hội trưởng Hội nuôi ngao Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết, tại địa phương, người dân tham gia nuôi nhuyễn thể từ năm 2009. Được các cơ quan chức năng hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên thời gian đầu làm ăn thuận lợi.

"Tuy nhiên từ 2014 đến nay, UBND thành phố Hải Phòng đã cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Từ đó các vùng nuôi ngao của chúng tôi bị chết hàng loạt" - ông Tuân cho hay.

Để phát huy hết tiềm năng về nuôi trồng thủy sản ven biển, ngày 4/10/2021, Thủ tướng đã có quyết định 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển đến năm 2030.

Thực hiện các mục tiêu trên, trong thời gian qua nhiều địa phương đã phê duyệt chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế địa phương và kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước ven biển đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ven biển với các địa phương.

Ông Trần Thế Anh, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN cũng bày tỏ: "Thời gian qua, chúng tôi đã cộng tác với nhiều bà con ở Hải Phòng, Nam Định trong việc tư vấn nuôi ngao, nuôi cá. Thực tế cho thấy, trong quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản đang tồn tại nhiều vướng mắc".

Theo ông Thế Anh, quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản đã được các địa phương xây dựng trước năm 2020, quy hoạch này đến năm 2030, nhưng năm 2021 lại đặt ra vấn đề tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp, dẫn đến nhiều nơi điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản để tạo điều kiện cho ngành nghề khác sử dụng quỹ đất liên quan nuôi thuỷ sản. Việc này đột ngột dẫn đến giảm diện tích nuôi trồng, mất sinh kế của người nông dân.

LaÔng Trần Đình Luân (trái), Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản tham dự tọa đàm. Ảnh: NTNN
Ông Trần Đình Luân (trái), Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản tham dự tọa đàm. Ảnh: NTNN

Cùng với quy hoạch thì tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát xảy ra phổ biến cũng là vấn đề nhức nhối. Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, tình trạng nuôi trồng thuỷ sản tự phát xảy ra khá phổ biến do rất nhiều nguyên nhân; trong đó, có cả do quy hoạch, trình độ kỹ thuật nuôi trồng của bà con còn hạn chế...

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận xét, cũng như các hoạt động sản xuất khác, cứ một mùa vụ có lãi thì các mùa vụ sau bà con lại ồ ạt mở ra tự phát.

"Hiện đất cho dự án nuôi ngao, nuôi hàu có khi còn "nóng, sốt" hơn cả đất ở thành phố" - ông Luân nói.

Người đứng đầu Tổng cục Thủy sản cho biết thêm: "Tôi mới có đợt làm việc ở Sông Cầu - Phú Yên cách đây vài ngày. Đây là nơi nổi tiếng nuôi tôm hùm rất tốt, nhưng bà con vẫn làm cảm tính lắm. Nếu năm nay tôm hùm bán giá cao, tích luỹ được đồng nào bà con lại mở rộng lồng nuôi chừng đó. Đến nỗi có thời điểm mặt nước ở khu vực này không còn chỗ trống, hệ quả là lại xảy ra tình trạng tôm chết vì dịch bệnh, vì môi trường bị ô nhiễm".

Từ đó ông Luân cho rằng, các cơ quan chức năng địa phương cần có giải pháp phân ô, giao cho các hộ nuôi tôm hùm với một định mức cụ thể, quy hoạch bài bản hơn. Hạn chế chung mà nhiều địa phương gặp phải hiện nay là chưa nhìn được giá trị tổng thể.

"Tổng cục Thủy sản đưa ra chiến lược rà soát lại và giao mặt nước theo Luật Thủy sản để cấp mã số cho bà con. Chúng tôi mong muốn mở rộng trang trại nuôi biển xa bờ, có những tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn đầu tư, khai thác như các nước đang làm" - ông Luân nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm