Đặt tên con không quá dài: Cần phải rõ hơn!

Ngày 16-7 tới đây, Thông tư 04/2020 do Bộ Tư pháp ban hành chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của thông tư là việc đưa ra quy định đặt tên con không quá dài, khó sử dụng.

Cha mẹ đặt tên dài, con gặp khó

Cuối năm 2019, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết Phải cho công dân đổi tên nếu quá dài gây rắc rối” phản ánh những khó khăn của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) khi có tên quá dài.

Theo chị Phương, do có họ tên quá dài nên chị bị ngân hàng từ chối mở thẻ ATM, bởi theo quy định khi mở thẻ, độ dài của tên tối đa 26 ký tự (kể cả khoảng trắng). Trong khi tên chị Phương dài 33 ký tự nên ngân hàng không thể thực hiện được.

Nhiều giao dịch thường ngày cũng như thủ tục cấp giấy tờ tùy thân cũng gặp rối từ đây. Sau nhiều lần đi lại làm thủ tục, chị đã được UBND huyện Nhơn Trạch cho đổi tên thành Nguyễn Kim Phương.

Một trường hợp khác là anh Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cũng có tên siêu dài với trên 35 ký tự. Không chỉ anh Nhàn mà người chị và em gái út cũng được cha mẹ đặt cho tên quá dài là Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng và Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân.

Tên dài quá khổ nên hầu hết trên CMND, bằng lái xe hay các giấy tờ tùy thân khác của ba anh chị em anh Nhàn đều được viết tắt các từ lót.

Tên bao nhiêu chữ là dài

Về vấn đề trên, ThS Nguyễn Nhật Khanh (giảng viên khoa luật hành chính nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận định từ trước Thông tư 04, trong dự thảo BLDS 2015 cũng từng đưa ra đề xuất việc đặt tên không dài quá 25 ký tự.

Đề xuất này sau đó không được đưa vào BLDS. Do vậy, quy định hiện hành lại không giới hạn độ dài của tên hay cấm việc đặt tên xấu, tên lạ dù thực tế việc đặt họ tên quá dài có nhiều trường hợp gây khó khăn cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cả người được đặt tên.

Theo ThS Nguyễn Nhật Khanh, Thông tư 04/2020 đưa ra hướng dẫn việc đặt tên phù hợp, ngắn gọn, có ý nghĩa là điều cần thiết.

Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi Thông tư 04 không quy định tiêu chí cụ thể để giới hạn ký tự của tên gọi mà lại quy định chung chung là không được đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Điều này vừa gây khó khăn cho người đăng ký khai sinh lẫn công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch trước việc phải giải thích “tên như thế nào là dài”.

“Cần có giới hạn cụ thể về số lượng ký tự của tên để cán bộ hộ tịch và người dân không bị nhọc nhằn, khó hiểu” - ThS Nguyễn Nhật Khanh nhận định.

Tương tự, ông Ngô Thái Lâm (cán bộ hộ tịch UBND phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng cần phải có quy định cụ thể giới hạn số lượng ký tự đối đa khi đặt tên.

Bởi nếu chỉ quy định không đặt tên quá dài thì cả người đăng ký khai sinh lẫn cán bộ hộ tịch không thể ước lượng đâu là tên dài, đâu là tên ngắn.

“Cùng một cái tên, người dân nói ngắn mà cán bộ hộ tịch nói dài thì cãi nhau ngay. Như vậy, quy định phải có giới hạn số lượng ký tự trong tên thì mới thuận tiện cho cả người dân lẫn cán bộ hộ tịch” - ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, chỉ nên đặt tên 20-25 ký tự. Với số lượng ký tự này sẽ phù hợp với quy định viết tên và khuôn phôi các giấy tờ như căn cước công dân, giấy phép lái xe, thẻ ATM…

Với số ký tự này, tên của cá nhân sẽ không bị viết tắt, từ đó việc sử dụng tên trong các giao dịch thường ngày lẫn trong các thủ tục hành chính được thuận lợi hơn.

Đăng ký hộ tịch được nộp bản chụp giấy tờ

Nhằm thúc đẩy các thủ tục hộ tịch được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi cho người dân, Thông tư 04/2020 bổ sung quy định mới cho phép người đăng ký hộ tịch được nộp bản chụp các giấy tờ.

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 04, người yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc (sau đây gọi là bản sao) hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. Trường hợp người yêu cầu nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao giấy tờ đó. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm