Buổi tọa đàm đã có mặt nhiều học giả, các nhà nghiên cứu Nam Bộ nhiều thế hệ và gia đình cố tác giả đến tham dự. Tại đây, các nhà nghiên cứu như học giả Mạc Đường, GS Vũ Văn Ngọc, ThS Lưu Hồng Sơn, TS Hà Thiên Vân… đã đưa ra nhận định: Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh đã có nhiều công lao trong việc tiên phong tìm tòi nghiên cứu về Nam Bộ, đặc biệt là mảng văn học Nam Bộ cổ. Những nghiên cứu của cụ Ca Văn Thỉnh luôn gắn với thực tiễn, nhắm đến mục đích gắn kết mối quan hệ Bắc - Nam về lịch sử, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết dân tộc. Các bài viết của cụ Ngạc Xuyên cũng luôn đề cao đạo nghĩa sống ngay thảo thường ngày và dũng khí yêu nước, bất khuất của người Nam Bộ.
Đất và người Nam Bộ tập hợp 14 bài viết của cụ Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh viết, dịch, sưu tầm về đề tài Nam Bộ xưa, trong đó có chín bài viết đã đăng trên các tạp chí uy tín trước năm 1945. Quyển sách cho người đọc thấy rõ những tinh túy của cổ học Nam Bộ thông qua các bài viết nghiên cứu công phu, thận trọng, giàu tính phát hiện thể hiện tài hoa và nhiệt huyết của một người luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nhà thơ Hoài Anh đã từng viết: "Ca Văn Thỉnh là người có công rất lớn trong nền văn hóa, văn học Nam Bộ... Ông đã khảo cứu về những truyện, thơ dân gian và sưu tầm được những bài Hịch con quạ, Hịch thiêu muỗi của dân gian lên án bọn tay sai cho Pháp... Bên cạnh đó, ông còn đính chính những lầm lẫn như chú thích về chữ Cam-pu-chia: "Chữ Cam-pu-chia, ngày xưa đọc theo âm Hán Việt là Giản Phố Trại. Một số nhà nho bỏ bớt chữ Trại, chỉ đọc Giản Phố, lại bị đọc lên là Đông Phố vì hai chữ Giản và Đông viết gần giống nhau. Thí dụ, trong bài văn tế Võ Tánh, đã viết là "Trời Đông Phố..." khi nói quê quán của hai ông ở đất Gia Định xưa...".
Cụ Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh sinh ngày 21-3-1902 tại Mõ Cày, Bên Tre và mất ngày 5-10-1987 tại Sài Gòn. Thời trẻ ông đã được học bổng vào Trường Sư phạm Sài Gòn và học bổng học Trường CĐ Sư phạm Hà Nội. Tại Hà Nội, ông là bạn đồng niên với các GS Đặng Thai Mai, Phạm Thiều... và tham gia nòng cốt trong phong trào sinh viên yêu nước ở Hà Nội lúc bấy giờ. Ông từng viết vở cải lương Bầu nhiệt huyết về đại thần Nguyễn Trãi với tên song bị thực dân Pháp cấm diễn. Sau khi tốt nghiệp CĐ Sư phạm ở Hà Nội, cụ được bổ nhiệm làm Đốc học tỉnh Bến Tre và gắn với nghề dạy học 10 năm. Sau 1954 cụ tập kết ra Bắc và đảm nhiệm những chức vụ cao trong chính quyền cách mạng như Ủy viên Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ, quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Ủy viên Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, phụ trách Vụ Đông Nam Á Bộ Ngoại giao và có thời gian làm đại sứ ở nước ngoài. Cụ cũng từng giữ chức giám đốc Thư viện Khoa học Trung ương, viện trưởng Viện Khoa học Xã hội miền Nam tại TP.HCM, đại diện Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam tại TP. Bút hiệu Ngạc Xuyên có nghĩa "Rạch Cá Sấu" - một địa danh ở quê hương cụ. |