Lê Dương Thể Hạnh - người đã chín năm trời chiến đấu với tật bệnh đã chia sẻ như vậy trong buổi ra mắt cuốn sáchCó một mặt trời không bao giờ tắtvào sáng 20-12 tại Trường ĐH KHXH&NV. Cuốn sách là câu chuyện về cuộc đời của chị - một cô gái bất hạnh nhưng luôn khát khao sống và cống hiến.
Sinh ra trong một gia đình lễ giáo tại Đà Lạt, tốt nghiệp Trường ĐH KHXH&NV ngành tiếng Nhật (khoa Đông phương học), Hạnh làm thư ký kiêm biên phiên dịch cho tổng giám đốc một công ty của Nhật Bản. Tưởng chừng tương lai đang rộng mở phía trước nhưng căn bệnh u não quái ác đã cướp đi mọi nỗ lực của cô gái 26 tuổi.
“Đó là một buổi chiều cuối tuần không tươi đẹp, sau một cơn đau đầu khủng khiếp, bác sĩ đã phát hiện ra khối u nơi bán cầu não trái” - Hạnh nhớ lại…
Sau một năm, với ba cuộc phẫu thuật cả trong và ngoài nước cùng 27 lần xạ trị, ánh sáng đã vĩnh viễn bỏ Hạnh ra đi, khuôn mặt bị biến dạng nặng, tai trái điếc và vô số những di chứng không tên khác, nguy cơ cao phải sống đời sống thực vật. Hạnh bảo vì không muốn nằm một chỗ nên đã tự vực mình dậy bằng cách tập thể dục bốn tiếng mỗi ngày, vừa tập vừa nghêu ngao hát để vơi đi cái đau thân xác. Quãng thời gian đó, sự đớn đau về thể xác cùng sự mệt mỏi về tinh thần như muốn nuốt chửng lấy mọi hạnh phúc của Hạnh. Chính sự thương yêu của gia đình, của những người thầy mà chị gặp trong thời gian mắc bệnh là niềm tin để chị buộc mình phải sống.
Hạnh kể: “Có một buổi chiều, ba đưa tôi lên một ngôi trường tiểu học. Ngang qua phòng đọc truyện của đám trẻ, tiếng đọc lảnh lót của tụi nhỏ bỗng khiến tôi thấy bừng tỉnh hẳn ra”. Khát khao được chia sẻ, được học tập luôn bùng cháy như thế nên Hạnh đã không cho phép mình gục ngã. Cuộc sống chỉ thực sự đi vào ngõ cụt khi bản thân mình tự đóng hết mọi cánh cửa lại.
“Mù không phải là dấu chấm hết. Nếu không thể thay đổi được chuyện đã rồi thì hãy học cách chấp nhận và bước qua nó” - lời dạy của người thầy khiếm thị Nguyễn Quốc Phong (một người gặp tai nạn từ trên trời rơi xuống khi đang ở tuổi thanh niên khiến phải mù vĩnh viễn hai mắt, đi Mỹ du học rồi về bảo trợ hướng nghiệp cho rất nhiều người đồng cảnh) thôi thúc Hạnh phải tiến về phía trước.
Trong sự nghiệt ngã mà số phận đã giáng xuống đời mình, Hạnh nhận ra rằng có một mặt trời không bao giờ tắt, mặt trời này không mọc hay lặn theo quy luật của tự nhiên, đó là mặt trời của niềm tin và hy vọng, của tình thương yêu… Hạnh tìm thấy mình trong bóng tối, đối mặt chứ không chạy trốn.
Bao nhọc nhằn trong những tháng ngày điều trị bệnh, Hạnh gửi gắm hết qua từng trang sách của mình để truyền niềm tin đến với mọi người. “Xin hãy một lần nhắm mắt lại và lắng nghe tiếng lòng của chúng tôi, những người không may bị số phận lấy đi ánh sáng và đồng thời cũng mong bạn đọc cho người mù chúng tôi một sự đánh giá công bằng. Người mù cũng muốn học tập, lao động và sống có ích cho cộng đồng” - Hạnh gửi gắm.
Người phụ nữ tên Hạnh cận kề với cái chết khi chỉ mới 26 tuổi đã trở thành chỗ dựa tinh thần của nhiều người đồng cảnh. Ở tuổi 34, Hạnh là trưởng nhóm thiện nguyện Sắc màu hy vọng, chủ website cùng tên… Sắc màu hy vọng đã kêu gọi nhiều chuyến thiện nguyện dành cho người khiếm thị. Trong đó có một cô gái tìm đến và nghe theo lời khuyên của Hạnh đã điều trị kịp thời lấy lại ánh sáng cho đôi mắt. Hạnh vận động quyên góp hơn 100 triệu đồng xây dựng dự án thư viện chữ nổi, phục vụ nhu cầu học tập cho 30 em học sinh, sinh viên ở Mái ấm Thiên Ân…
Giữa hai bờ sáng tối, Hạnh vẫn hát ca mỗi ngày sau khi dạy ngoại ngữ miễn phí cho người khuyết tật qua mạng Skype…