Dấu ấn của cố Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đối với Việt Nam

(PLO)- Ông Abe Shinzo là người bạn nghĩa tình đối với Việt Nam, là người đã luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt-Nhật và ủng hộ Việt Nam trên trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như đài NHK thông tin, cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đã qua đời vào lúc 5 giờ 3 phút chiều 8-7 (giờ địa phương) vì mất quá nhiều máu, vài giờ sau khi bị một người đàn ông 41 tuổi bắn vào ngực và cổ.

Sự ra đi của ông đã khiến Việt Nam và thế giới vô cùng bàng hoàng và đau lòng.

Ông Abe đã dành một tình cảm đặc biệt cho Việt Nam khi có 4 lần thăm Việt Nam trong gần 8 năm lãnh đạo nước Nhật. Trong 4 lần thăm Việt Nam của ông Abe, có 2 lần thăm chính thức - diễn ra vào năm 2013 và 2017, và 2 lần tham dự hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) - diễn ra năm 2006 và 2017.

Cố Thủ tướng Nhật Abe Shinzo. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Cố Thủ tướng Nhật Abe Shinzo. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Thúc đẩy quan hệ song phương

Ông Abe là nhân vật góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt-Nhật, cũng như tăng cường hợp tác chiến lược song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ bang giao.

Theo trang East Asia Forum, ông Abe công nhận tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật ngay từ lần đầu tiên lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2006, và đã nỗ lực tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Hai bên đã nhất trí đưa ra tuyên bố chung “Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á", khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật năm 2006. Đến năm 2014, ông Abe đã cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nâng cấp quan hệ song phương thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, tờ Asia Times đưa tin.

Ông Abe còn thúc đẩy nâng cao hơn nữa hợp tác chiến lược Việt - Nhật thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của ông.

Ông Abe rất chú trọng đến việc cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Theo East Asia Forum, Nhật hiện là nhà tài trợ ODA số một của Việt Nam. Từ năm 2014 đến năm 2018, Nhật đã cung cấp khoảng 280 triệu USD vốn ODA để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực, môi trường,... tại Việt Nam. Việt Nam cũng là điểm đến ưu tiên của nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật.

Không dừng lại ở đó, nhờ vào chính sách tăng cường lao động nước ngoài của ông Abe, người dân Việt Nam đã tìm được nhiều cơ hội việc làm ở đất nước mặt trời mọc. Tính riêng năm 2018 đã có 70.000 thực tập sinh Việt Nam tới Nhật.

Gắn kết trên trường quốc tế

Trong suốt nhiệm kỳ của ông Abe, Nhật luôn nhiệt tình ủng hộ chính sách ngoại giao chủ động của Hà Nội trong các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế. Đối với ông Abe, Nhật và Việt Nam “được kết nối bởi đại dương tự do” và hai bên nên hợp tác ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực.

Tokyo cũng đã thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội trong việc xây dựng năng lực thực thi pháp luật hàng hải. Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) ở Biển Đông hồi 2014, Nhật đã cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần duyên để tăng cường khả năng bảo vệ vùng biển. Năm 2016, ông Abe đã cam kết viện trợ 6 chiếc tàu tuần tra mới cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Ngoài ra, Hà Nội và Tokyo cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 (diễn ra ở Đà Nẵng). Sự lãnh đạo của ông Abe, và vị thế chủ nhà của Việt Nam, đã đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục thỏa thuận sau khi Mỹ rút khỏi.

Ông Abe cũng là người mời Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới) mở rộng hồi năm 2016. Bên cạnh đó, ông cũng đã ủng hộ Việt Nam làm chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm