Dấu ấn trong công tác giảm nghèo tại Bình Định

(PLO)- Năm 2023, Bình Định giảm được 12.667 số hộ nghèo và cận nghèo nhờ thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong kế hoạch thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều với tỉ lệ 1,8%/năm với 7.928 hộ thoát nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, kết quả mà tỉnh này đã vượt ngoài mong đợi.

Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh

Hộ ông Đinh Văn Kiên (xã An Dũng, huyện An Lão, Bình Định) trước đây là hộ nghèo dân tộc thiểu số. Năm 2022, nhờ hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững, ông Kiên mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng chăn nuôi heo, nuôi gà và trồng 3,2 ha keo nguyên liệu giấy trên đất rẫy.

Ngoài ra, ông Kiên còn tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi, thú y, trồng trọt do huyện, xã tổ chức. Nhờ sự nỗ lực, chịu khó mà gia đình ông Kiên đã tự chủ kinh tế, năm 2023 gia đình ông Kiên tự nguyện đăng ký thoát nghèo và còn giúp đỡ những hộ còn gặp nhiều khó khăn trong thôn để cùng nhau sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

giảm nghèo
Trao tặng 33 suất quà cho các hộ nghèo, khó khăn trong thôn 2, xã An Hưng, huyện An Lão nhân Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 2023. Ảnh: HỮU BÁ

Ở huyện An Lão còn nhiều tấm gương tự lực vươn lên thoát nghèo như vậy.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, cho biết đến cuối năm 2023, tỉ lệ giảm nghèo đa chiều của Bình Định đạt 2,89%, vượt 160% so với chỉ tiêu được giao, đưa tỉ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm còn 6,15%. Theo đó, trong năm qua Bình Định đã có 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Các chính sách, dự án hỗ trợ được chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng. Sự tham gia vào cuộc của các MTTQ và các hội đoàn thể đã huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, hỗ trợ kịp thời cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

ĐỖ THỊ DIỆU HẠNH, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định

Riêng đối với huyện nghèo An Lão cũng có kết quả giảm nghèo rất phấn khởi, tỉ lệ nghèo đa chiều của huyện giảm 13,72% với 1.270 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (đạt và vượt 135% kế hoạch).

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh báo cáo thành tích giảm nghèo của tỉnh
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh báo cáo thành tích giảm nghèo của tỉnh Bình Định

Để có kết quả giảm nghèo như trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh hướng dẫn cho UBND cấp huyện chủ động, đề xuất triển khai cụ thể từng dự án, chính sách của chương trình đến được với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Sở là cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo về chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Thời gian qua, Bình Định thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các cuộc vận động, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, kế hoạch giảm nghèo vốn được giao triển khai thực hiện năm 2023 là hơn 352 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 117 tỉ đồng, đạt 32,2% (vốn kéo dài năm 2022 hơn 68 tỉ đồng, vốn bố trí năm 2023 là gần 49 tỉ đồng). Các dự án được thực hiện nghiêm túc đúng quy định, không dàn trải, lãng phí tránh thất thoát kinh phí của Nhà nước. Nguồn lực từ chương trình giảm nghèo đã góp phần làm thay đổi diện mạo các địa bàn khó khăn trên địa bàn tỉnh.

w-p12-binh-dinh-h2-9501.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trong buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH về mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ảnh: CTTBĐ

Đơn cử như tại huyện An Lão, huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh, hiện đã được đầu tư xây dựng 29 công trình (giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật) và ba công trình giao thông kết nối liên vùng đã tạo điều kiện thuận lợi, thông thương cho người dân trên địa bàn huyện… với kinh phí hơn 181 tỉ đồng, để giảm nghèo.

Hiện nay, các địa phương đang thực hiện trên 90 dự án phát triển sản xuất cho 2.849 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Cùng với đó là nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo và xã hoàn thành nông thôn mới.

Điển hình như xã An Tân, huyện An Lão. Giai đoạn 2016-2021 An Tân là một trong 10 xã đặc biệt khó khăn của huyện An Lão, năm 2021 tỉ lệ nghèo đa chiều còn khá cao (62,11%). Nhưng giai đoạn 2021-2025, từ các nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình MTQG, xã An Tân đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình kinh tế; tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, tự lực vươn lên thoát nghèo. Hiện tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 9,81%, thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn khu vực III và năm 2022 được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Những con số ấn tượng

Năm 2023, Bình Định đã đạt được một số kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững:

- Tạo việc làm cho 32.029 người lao động, có 700 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tư vấn giới thiệu việc làm.

- Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa tỉnh 2.830 người, trong đó huyện nghèo An Lão 210 người.

- Hỗ trợ 100% thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ 60% thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình, với tổng số thẻ đã cấp là 182.096 thẻ.

- 1.287 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở (1.101 nhà xây dựng mới; 186 nhà sửa chữa), tổng kinh phí thực hiện 59,7 tỉ đồng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm