Chỉ trong vòng hơn hai tuần, từ ngày 29-11 đến 16-12, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra bốn vụ cháy chết người với tổng cộng 11 người chết và sáu người bị thương, gần bằng con số người chết do cháy tính từ ngày 16-11-2015 đến 16-11-2016. Đầu tiên là vụ cháy bi thảm xảy ra ngày 29-11 tại nhà số 1 Hồ Bá Phấn, phường Phước Long A, quận 9 làm hai người chết, một người bị thương. Một tuần sau lại có vụ cháy tại 126D Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận làm bốn người bị thương nặng, sau đó hai người đã tử vong tại bệnh viện. Không lâu sau, địa chỉ 675L1 Đoàn Văn Bơ, phường 18, quận 4 cũng xảy ra hỏa hoạn vào rạng sáng khiến một người tử vong và một người bị thương. Thảm khốc nhất là vụ cháy nhà ngày 16-12 tại nhà số 453/6 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3 khiến sáu người chết và hai người bị thương.
Điểm chung của các vụ cháy trên là các ngôi nhà chỉ có một lối thoát nhưng đã bị lửa bao chiếm. Sau khi các bi kịch thương tâm nêu trên xảy ra, người ta lại nhắc đến từ “giá như”. Giá như các căn nhà được thiết kế ít nhất hai lối thoát hiểm thì chắc chắn không có những hậu quả thương vong tang tóc như vậy. Đây không phải chủ đề mới mà là chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Chúng tôi cũng đã nhắc đi nhắc lại chuyện lưu ý tổ chức lối thoát hiểm. Song thực tế đáng buồn là phần nhiều các ngôi nhà ở TP.HCM vừa hẹp vừa sâu và chỉ có một lối ra vào duy nhất phía trước, lại để đầy vật dụng, hàng hóa. Đây là tồn tại lịch sử song cũng là vấn đề của quy hoạch và luật pháp. Quy hoạch manh mún, không đồng bộ, cùng sự quản lý yếu kém và ý thức người dân hạn chế đã dẫn đến tình trạng thành phố tuy rộng lớn nhưng mạng lưới ngõ hẻm nhỏ loằng ngoằng cùng những ngôi nhà đủ hình dạng, đủ kích thước và muôn dạng lấn chiếm không gian chung. Về luật pháp, phải đến năm 2010 mới có Quy chuẩn 06 về an toàn cháy và năm 2015 mới có Quy chuẩn 04-1 về nhà ở và công trình công cộng. Tuy nhiên, các quy chuẩn này chỉ quy định nhà chung cư, nhà tập thể hay nhà cao trên 15 m hoặc diện tích trên 300 m2 mới phải có hơn hai lối thoát nạn…
Mặc dù chính quyền rất quan tâm và trăn trở về vấn đề thoát nạn khi có sự cố, song với sự quá tải về dân số và thực trạng nhà ở hiện nay thì chuyện này không thể giải quyết một sớm một chiều. Chúng ta phải chấp nhận “sống chung” với hiểm họa trên tinh thần hết sức cẩn trọng, không để xảy ra bất kỳ nguy cơ cháy nổ nào và hy vọng trong tương lai không xa, mỗi căn nhà ở đô thị có hơn hai lối tháo chạy.
Thượng úy LÊ ANH QUÂN, Phòng Pháp chế, điều tra xử lý
về cháy nổ Cảnh sát PCCC TP.HCM