Đau đầu chuyện trường lớp cho năm học mới

Theo lộ trình, năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, sách giáo khoa (SGK) mới tiếp tục được triển khai ở bậc tiểu học (lớp 2) và lần đầu tiên ở bậc THCS (lớp 6).

 Nỗ lực xây trường, lớp mới

Để chuẩn bị cho năm học 2021-2022 cũng như tiếp tục triển khai chương trình GDPT mới, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận 6, cho biết quận đã đầu tư xây thêm một số trường mới, phòng học mới.

“Mục tiêu của quận phấn đấu 100% học sinh (HS) các trường tiểu học, THCS đều học hai buổi/ngày” - ông Uyên nhấn mạnh.

Theo ông Uyên, bên cạnh đáp ứng số phòng học, quận cũng đang tiến hành rà soát tất cả trường học để bổ sung các trang thiết bị cần thiết.

Khác với quận 6, quận 12 là một điểm nóng về áp lực tăng dân số. Năm học tới, quận 12 tiếp tục gặp khó khăn về cơ sở vật chất khi triển khai chương trình GDPT mới.

Một tiết học của học sinh lớp 6 Trường THCS Thông Tây Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12, cho hay thời điểm này các trường đang rà soát trang thiết bị để đề xuất phê duyệt mua sắm nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Năm 2020-2021, triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 1, quận ưu tiên phòng học cho khối lớp này. Tuy nhiên, tỉ lệ HS học hai buổi/ngày chỉ đạt 38,9%. Năm học 2021-2022, quận không có trường tiểu học mới được đưa vào sử dụng trong khi phải tiếp tục ưu tiên phòng học cho HS lớp 2 để thực hiện cuốn chiếu chương trình GDPT mới. Vì thế tỉ lệ học hai buổi/ngày của HS lớp 1 năm tới sẽ thấp.

Đối với lớp 6, năm tới quận có thêm Trường THCS Tân Thới Nhất đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, với số lượng HS hiện nay thì cũng như “muối bỏ bể”. Do đó trước mắt, quận sẽ ưu tiên phòng học cho các lớp thực hiện chương trình mới.

Quận Gò Vấp cũng là khu vực chịu áp lực về dân số tăng cơ học hằng năm.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT quận, cho biết năm học 2021-2022 địa phương không có trường học mới đưa vào sử dụng ở cả ba bậc học, chỉ bổ sung 12 phòng học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường 16) để tăng thêm chỗ học cho HS.

Tương tự, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, cho biết tính đến giữa tháng 3-2021, toàn huyện còn bảy trường tiểu học và ba trường THCS thuộc xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chưa tổ chức dạy học hai buổi/ngày cho HS lớp 1 do không đủ điều kiện.

Năm học 2021-2022, huyện Bình Chánh dự kiến đưa vào sử dụng thêm một trường tiểu học nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng thiếu trường lớp cục bộ tại địa phương.

Rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp

UBND TP yêu cầu Sở GD&ĐT TP chủ động phối hợp với UBND quận, huyện rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, làm cơ sở xây dựng quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030. Khi đặt chỉ tiêu tổng diện tích đất quy hoạch phải theo phân bổ cụ thể ở từng địa phương, không tính chung trên địa bàn rộng vì mỗi khu vực có đặc thù khác nhau.

Sắp tới các địa phương sẽ tuyển sinh đầu cấp, tôi đề nghị Sở GD&ĐT cùng các đơn vị phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, tránh tình trạng như năm trước. Làm thế nào chúng ta có thể tạo điều kiện tốt nhất để con em tới trường.

Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM 

Đảm bảo đủ chỗ học, tăng tỉ lệ hai buổi/ngày

Các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, huyện Bình Chánh... luôn chịu áp lực về việc tăng dân số cơ học nhưng số lượng trường lớp được xây mới rất ít vì phụ thuộc nhiều yếu tố.

Để đảm bảo đủ chỗ học cũng như tăng tỉ lệ hai buổi/ngày đối với các lớp thực hiện chương trình GDPT mới, các quận đều linh động thực hiện nhiều giải pháp.

Ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết quận sẽ tính toán trường lớp để ưu tiên cho các lớp thực hiện chương trình GDPT mới với tỉ lệ học hai buổi/ngày cao hơn các khối lớp khác. Thời điểm hiện tại, toàn quận có trên 70% HS lớp 1 và 90% HS lớp 6 được học hai buổi/ngày. Năm học tới, địa phương phấn đấu duy trì tỉ lệ HS lớp 1 và lớp 6 được học hai buổi/ngày.

“Hiện Phòng GD&ĐT cũng đang cố gắng giải phóng mặt bằng, bồi thường để xúc tiến xây dựng trường tiểu học tại phường 9 và phường 12. Sắp tới, phòng dự kiến tham mưu UBND quận đưa hai trường phát triển theo hình thức tự chủ là Trường Tiểu học Lương Thế Vinh và THCS Nguyễn Du” - ông Thủy nói thêm.

Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn đều tận dụng tối đa cơ sở vật chất, tổ chức dạy học ngày thứ Bảy, tăng cường liên kết với nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục thể thao để giảm áp lực về phòng ốc.

Luôn là địa bàn nóng về áp lực tăng dân số, lại không có trường mới đưa vào sử dụng năm 2021 nhưng quận Tân Phú đã có giải pháp cụ thể để đảm bảo đáp ứng chỗ học cho HS cũng như từng bước tăng tỉ lệ học hai buổi/ngày.

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận, cho hay để đáp ứng việc thực hiện chương trình GDPT mới, từ năm 2020, theo lộ trình mỗi năm, quận sẽ thí điểm một trường với 100% HS học hai buổi/ngày, ngoài các trường đã có điều kiện thực hiện. Năm 2021, quận tiếp tục thực hiện tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

“Mục tiêu trọng tâm là đảm bảo trẻ sáu tuổi đều được gọi vào lớp 1. Nhiệm vụ phấn đấu 100% trẻ sẽ được học hai buổi/ngày theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện trường lớp” - ông Khiêm nói thêm.

Cũng theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, đối với những trường chưa đủ điều kiện dạy hai buổi/ngày sẽ linh hoạt thực hiện dạy trên năm buổi/tuần. Cách làm này cũng được các trường trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận 12 thực hiện để đảm bảo chương trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm