Gần đây, nhiều người dân gửi thư đến Pháp Luật TP.HCMphản ánh họ có tranh chấp đất đai nên yêu cầu xã/phường hòa giải để làm cơ sở khởi kiện (nếu hòa giải không thành). Tuy nhiên, họ cứ bị phường/xã ngâm hồ sơ khiến cho quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.
Bị hành lên hành xuống
Đơn cử trường hợp của ông Trần Minh Khôi (huyện Thủ Thừa, Long An). Ông cho biết gia đình ông yêu cầu một người quen trả lại phần đất trước đây gia đình ông đã cho người này xây nhà ở nhờ nhưng không được chấp thuận. “Tôi nộp đơn gửi lên xã yêu cầu giải quyết nhưng xã không tổ chức hòa giải mà cứ hẹn hết tháng này đến tháng khác. Bí quá, tôi đưa đơn ra tòa. Tuy nhiên, tòa trả đơn, đề nghị phải có biên bản hòa giải không thành tại xã thì mới thụ lý. Hiện nay tôi đang quay lại xã và nơi đây cũng chỉ mới hứa hẹn sẽ làm”.
Còn vừa qua ông Nguyễn Tấn Lai (Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng phải tìm đến luật sư hỗ trợ gửi đơn để làm sao xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) hòa giải cho vụ tranh chấp đất của gia đình. Nguyên trước đó, tháng 7-2014, ông yêu cầu xã hòa giải vụ chia đất của gia đình cho các người thân trong nhà. “Xã yêu cầu tôi phải bổ sung hết những giấy tờ này đến giấy tờ khác mà vẫn không tổ chức hòa giải. Nếu xã không tổ chức hòa giải thì làm sao tòa nhận đơn của tôi trong khi các thành viên tranh chấp không ai chịu nhường ai”.
Ông Châu Văn Tiết, người đại diện cho ông Nguyễn Tấn Lai, cho biết đã rất nhọc nhằn khi yêu cầu xã hòa giải tranh chấp đất đai. Ảnh: GT
Khi Pháp Luật TP.HCM tiếp cận vụ việc, lãnh đạo xã Xuân Thới Thượng mới cho biết ông vừa về nhận nhiệm vụ, sẽ xem xét lại vụ việc để giải quyết dứt điểm cho đương sự.
Cũng xung quanh vấn đề này, luật sư Đỗ Văn Vinh (Công ty Luật Đức Việt) phàn nàn: “Năm trước văn phòng tôi cũng hỗ trợ pháp lý cho một thân chủ làm thủ tục hòa giải ở phường. Tuy nhiên, cán bộ phường tìm nhiều cách thoái thác trách nhiệm, không chịu hòa giải. Chúng tôi phải nhờ báo chí can thiệp, lúc đó phường mới chịu hòa giải dù cho việc này chỉ mất hơn một giờ là xong”.
Mạnh dạn khiếu nại
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận: Theo Luật Đất đai, những vụ kiện tranh chấp đất đai cần phải qua hòa giải tại cấp xã/phường/thị trấn thì nếu hòa giải không thành mới được kiện ra tòa. Thủ tục hòa giải được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Hải Đức, trên thực tế hiện nay có nhiều trường hợp khi xảy ra tranh chấp đất đai, cấp xã/phường ầu ơ không tổ chức hòa giải cho người dân. Một trong những lý do mà cán bộ cấp xã đưa ra là buộc người đi kiện phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nhưng người dân không thể cung cấp được. Đặt trường hợp nếu đất do cha mẹ để lại nhưng các đồng thừa kế không trực tiếp quản lý mà một người khác tự kê khai khống để làm giấy tờ thì làm sao người đi đòi lại đất có giấy tờ mà nộp cho cán bộ xã.
Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM nhấn mạnh: Việc hòa giải tại cấp xã/phường được tiến hành khi có đơn yêu cầu và thể hiện có hai bên đương sự chứ không cần thiết phải có những căn cứ, chứng minh cho thấy có việc tranh chấp. Nếu cán bộ cấp xã cố tình không nhận đơn và không tổ chức hòa giải thì người dân có thể khiếu nại để đòi lại quyền lợi.
Phải có chế tài cán bộ vi phạm Pháp luật đã có quy định về quy trình và thời hạn thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai nhưng có thể nói chúng ta chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân của cán bộ. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho quyền lợi của dân được pháp luật bảo vệ. Tôi đề nghị cần có các quy định chế tài đủ mạnh như cách chức, thuyên chuyển công tác và thậm chí buộc thôi việc cán bộ được giao nhiệm vụ thừa hành công vụ vi phạm. Ngoài ra cũng cần xử lý nghiêm đối với lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng ngâm hồ sơ của cán bộ, công chức do mình quản lý. Ngoài ra, lãnh đạo cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động của UBND cấp xã để sớm phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm. Có như vậy tôi nghĩ tình trạng trên mới được cải thiện. Luật sưĐỖ VĂN VINH, Công ty Luật Đức Việt Không gây khó cho người dân Tôi rất chia sẻ với những bức xúc mà người dân phản ánh. Theo tôi, với các trường hợp tranh chấp đất đai cần phường/xã hòa giải thì nơi đây phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Phường phải nên tích cực phối hợp với quận để xác minh về nguồn gốc đất chẳng hạn nếu người dân chưa cung cấp được chứng cứ; hướng dẫn người dân làm lại khi hồ sơ khi chưa đầy đủ... Tôi khẳng định nếu vụ việc đúng thẩm quyền, cán bộ không được từ chối, làm khó người dân. Ở địa phương tôi luôn quán triệt điều này. HUỲNH NGỌC THÔNG, Bí thư, Chủ tịch UBND phường 3, quận 10, TP.HCM |