Đau lòng kẻ bắc người nam vì xung đột tại Gaza

(PLO)- Trong suốt 1 năm xung đột tại Gaza diễn ra, gia đình Malaka sống trong cảnh bị chia cắt kẻ bắc người nam và đối mặt những nỗi đau không thể diễn tả thành lời.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi bom của Israel dội xuống TP Gaza (bắc Gaza) vào đầu tháng 10-2023, lực lượng Israel đã đề nghị người dân phía bắc dải đất phải sơ tán. Khi ấy, cô Najia Malaka và chồng cô – anh Hammam đã đưa ra quyết định đau lòng. Anh Hamman thu dọn đồ đạc để cùng 2 đứa con lớn để đi về phía nam Gaza. Trong khi đó, cô Najia - khi đó đang mang bầu đứa thứ năm - ở lại với 2 đứa con mới biết đi.

Anh Hammam sơ tán xuống phía nam vào ngày 13-10-2023. Cùng ngày hôm đó, cô Najia hạ sinh đứa con thứ 5 của hai vợ chồng. Từ đó đến nay, họ chỉ gặp nhau vài lần, theo tờ The New York Times.

Đối với gia đình Malaka, xung đột là một bức tường thành. Nó đã khiến gia đình Malaka mắc kẹt, bị chia cắt trong một năm bên trong dải đất dài chỉ khoảng 32 km.

"Mỗi sáng, tim tôi lại đau nhói. Tôi cảm thấy thật tồi tệ, chỉ nhớ gia đình và muốn nghe giọng nói của họ" – anh Hammam nói.

Suốt 1 năm người nam kẻ bắc vì xung đột tại Gaza
Khói bốc lên sau một cuộc không kích ở TP Gaza vào năm 2023. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Quyết định dẫn đến 1 năm chia cắt

Vợ chồng Malaka kể lại câu chuyện của họ cho phóng viên tờ The New York Times trong 2 cuộc phỏng vấn riêng biệt. Anh Hammam trả lời trực tiếp phóng viên tại miền nam Gaza, trong khi vợ anh trả lời qua điện thoại từ miền bắc dải đất.

Vào ngày cô Najia sinh con, Israel vừa mới bắt đầu đưa quân vào phía bắc Gaza. Cô đã trải qua một ca sinh khó. Tại phòng khám, cô thở khó, y tá rửa vết máu trên cơ thể cô, trong khi Israel thực hiện cuộc không kích vào một tòa nhà lân cận.

Y tá và các bác sĩ đã bỏ chạy, hét lên rồi bảo những bà mẹ mới sinh chạy đi. Cô Najia cho biết cô đã ôm đứa con mới sinh của mình và trốn trong một cầu thang, dây rốn vẫn chưa được cắt hoàn toàn. Cuộc không kích đã làm bụi và gạch vỡ tung tóe khắp nơi.

Cuối cùng, cô chạy ra ngoài, bế theo con và tìm một chiếc taxi chạy đến nhà mẹ cô. Cô đặt tên cho đứa trẻ là Mohammed.

Khi nghe tin con trai mình chào đời, anh Hammam vội vã trở về phía bắc Gaza, để lại 2 đứa con là Yamen (6 tuổi) và Sandy (4 tuổi) ở lại nhà dì của anh ở nam Gaza. Trong lần đó, anh Hammam đã nói với vợ rằng cô nên theo anh về nam Gaza. Nếu nhà của dì anh không đủ sức chứa gia đình của anh thì anh sẽ cố gắng tìm nơi trú ẩn mới cho cả nhà.

Tuy nhiên, khi ấy, cô Najia vẫn còn yếu và chưa thể đối mặt với hành trình sơ tán với 3 đứa con nhỏ, bao gồm Seela (gần 3 tuổi), Ashraf (15 tháng tuổi) và Mohammed. Theo cô, khi ở lại miền bắc Gaza, mẹ cô có thể chăm sóc cho cô cùng các con. Sau đó, xung đột tại Gaza ngày càng căng thẳng, cơ hội sơ tán về nam Gaza dường như không còn nữa.

Từ thời điểm đó đến đầu tháng 11 – khi Israel bao vây TP Gaza, anh Hamman về thăm vợ con được thêm 2 lần nữa.

xung-dot-tai-Gaza.webp
Cô Najia Malaka và ba đứa con Seela, Ashraf, Mohammed. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Nỗi đau không thể diễn tả thành lời

Có thời điểm, trong hơn 3 tháng, gia đình Malaka đã mất liên lạc hoàn toàn. Do internet và dịch vụ điện thoại di động bị cắt phần lớn khi Israel bao vây Gaza, họ không thể liên lạc nhau được.

Anh Hammam thường xuyên nghe radio và rùng mình mỗi khi radio đưa tin về các cuộc không kích xung quanh khu phố nhà mẹ vợ anh. Tâm trí anh trở nên hoảng loạn và đặt ra loạt câu hỏi: Họ đã chạy trốn chưa? Họ đang trú ẩn ở đâu? Họ tìm thức ăn và nước uống bằng cách nào?

Ở phía bắc Gaza, cô Najia liên tục nói với các bé Seela, Ashraf và Mohammed rằng họ có một người cha ở xa tận Ai Cập, đi mua đồ chơi cho các bé. Cô đau lòng khi chỉ có Seela thực sự biết cha của bé là ai. Trong khi, Ashraf không nhớ anh Hammam và thường gọi cậu của em là "cha".

"Sau khi không thể liên lạc với nhau, tôi cảm thấy như cả cuộc đời mình cũng khép lại" – cô Najia nói.

Cuối cùng, họ đã liên lạc được với nhau khi dịch vụ điện thoại di động được khôi phục. Cuộc gọi đầu tiên sau 3 tháng khiến họ vừa vui mừng vừa xúc động. Từ đó, họ nói chuyện với nhau 2 lần/ngày – một lần vào buổi sáng, một lần vào buổi tối.

Trong những tháng không gặp mặt, các con của anh Hammam rất nhớ cha mình.

"Ba đâu rồi? Con nhớ ba nhiều lắm. Khi ba từ Ai Cập về, ba có thể mang cho con một con búp bê nhỏ được không?" – bé Seela nói.

Trong khi đó, Ashraf cũng từng đứng bên cửa sổ, khóc và kêu lên: "Baba! Baba! Đến đây với con!".

Cô Najia cũng rất khao khát được đoàn tụ với chồng và các con. Cô cho biết đã chuẩn bị hành lý và sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để được gặp gia đình. Có một lần, cô nghe nói rằng người dân Gaza phải di dời về phía nam sẽ có thể trở về phía bắc Gaza. Cô bật khóc vì vui mừng, gọi điện cho chồng và mẹ chồng. Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn.

"Tôi sợ bị chia cắt mãi mãi. Tôi sợ điều đó hơn nhiều so với việc sống trong lều hoặc chịu đói" – cô Najia cho biết.

0efa8e9cc399c5a9b4bc7443e3888b7e2983d0f4.webp
Người dân Gaza sơ tán về phía nam dải đất vào tháng 11-2023. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ở miền nam Gaza, anh Hammam cũng tìm cách để đoàn tụ gia đình nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được. Trong thời gian đó, anh Hammam đã trải qua những nỗi đau không thể diễn tả thành lời.

Bé Mohammed đã bị gãy một chân khi bé bị rơi khỏi tay mẹ trên đường gia đình tìm nơi trú ẩn.

Vào ngày 31-8, 10 tháng và 2 tuần sau lần cuối cùng Seela nhìn thấy cha và anh chị của mình, cô bé đang chơi trên phố bên ngoài nhà bà ngoại thì một cuộc không kích xảy ra gần đó. Vụ nổ đã khiến một cột bê tông bay trúng vào người cô bé.

Người thân đưa cô bé đến bệnh viện nhưng cô bé đã qua đời vào sáng hôm sau. Cô bé mới 3 tuổi. Đối với anh Hammam, Yamen và Sandy, họ không thể có lần nhìn mặt Seela lần cuối cùng. Họ không thể làm gì khác, ngoài việc bật khóc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm