Dải Gaza tan hoang sau một năm xung đột

(PLO)- Sau một năm xung đột, giờ đây người dân tại Dải Gaza phải giải quyết khối lượng vật liệu đổ nát lên đến hàng chục triệu tấn, đủ để xây 11 kim tự tháp lớn nhất Ai Cập. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau một năm kể từ khi xung đột Israel-Hamas tại Dải Gaza nổ ra, người dân Gaza hiện đang phải đối mặt việc phải giải quyết hàng tấn vật liệu đổ nát do cuộc chiến gây ra.

Liên Hợp Quốc (LHQ) ước tính có hơn 42 triệu tấn vật liệu đổ nát, trong đó bao gồm hơn 163.000 tòa nhà đã bị hư hại hoặc san phẳng, theo hãng tin Reuters. Nếu xếp chồng lên nhau, 42 triệu tấn vật liệu đổ nát này đủ để xây 11 kim tự tháp Giza - kim tự tháp lớn nhất ở Ai Cập. Và lượng vật liệu đổ nát này vẫn đang lớn dần lên mỗi ngày.

LHQ cho biết con số này gấp 14 lần lượng vật liệu đổ nát tồn tại ở Dải Gaza từ năm 2008 đến trước khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra, và gấp hơn 5 lần lượng vật liệu đổ nát sau trận chiến Mosul xảy ra từ năm 2016 đến năm 2017 ở Iraq.

tàn tích đổ nát ở dải Gaza 2.png
Người dân tại Dải Gaza đứng giữa đống vật liệu đổ nát của một trường học do Liên Hợp Quốc điều hành. Ảnh: REUTERS

Cũng theo LHQ, ước tính sẽ mất 14 năm để dọn dẹp đống toàn bộ 42 triệu vật liệu đổ nát ở Dải Gaza hiện nay.

"Chúng tôi lấy đống đổ nát không phải để xây nhà, mà để làm bia mộ - từ đau khổ này đến đau khổ khác" - ông Jihad Shamali (42 tuổi), từng là công nhân xây dựng, chia sẻ với Reuters.

vật liệu đổ nát ở Gaza.jpg
Người dân Palestine trở về các khu dân cư ở phía đông Khan Younis (phía nam Dải Gaza) sau khi quân đội Israel rút khỏi khu vực này vào tháng 7. Ảnh: REUTERS

Người dân Gaza còn đối mặt những mối nguy nằm dưới hàng chục triệu tấn vật liệu đổ nát trên. Bộ Y tế Palestine cho biết có khoảng 10.000 thi thể cùng nhiều quả bom chưa nổ vẫn đang bị chôn vùi dưới những vật liệu đổ nát.

tàn tích đổ nát ở dải Gaza 3.png
Một đầu đạn tên lửa chưa nổ do máy bay Israel thả nằm trong đống đổ nát ở phía bắc Dải Gaza. Ảnh: REUTERS
tàn tích đổ nát ở dải Gaza 4.png
Người dân Palestine nghỉ ngơi dưới đống đổ nát của một ngôi nhà bị phá hủy ở Khan Younis (phía nam Dải Gaza). Ảnh: REUTERS

Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - bà Bisma Akbar cũng cho biết bụi cũng là "mối quan ngại đáng kể" và có thể gây ô nhiễm nước, đất và dẫn đến bệnh phổi ở Dải Gaza.

Nhóm công tác quản lý vật liệu đổ nát do LHQ đứng đầu đang lên kế hoạch làm việc với chính quyền địa phương tại các TP Khan Younis và Deir El-Balah (ở Dải Gaza) để bắt đầu một dự án thí điểm dọn dẹp các đống đổ nát dọc các con đường trong tháng này, theo Reuters.

"Những thách thức là rất lớn [...] Đây sẽ là một hoạt động lớn, nhưng đồng thời, điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ" - ông Alessandro Mrakic, Trưởng phòng khu vực Dải Gaza thuộc Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) và là đồng chủ trì nhóm công tác - cho biết.

Các đống đổ nát ở Dải Gaza trước đây đã được sử dụng để xây dựng cảng biển. LHQ hy vọng lần này cũng có thể tái sử dụng một phần vật liệu đổ nát cho việc xây dựng lại mạng lưới đường bộ và củng cố bờ biển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm