Vợ chồng ông T. và bà P. đến với nhau bằng sự cảm thông và thấu hiểu khi cả hai đều đã trải qua nỗi đau đổ vỡ hôn nhân lần thứ nhất. Tuy bà P. không có khả năng sinh con nhưng hai người đã có khoảng thời gian dài chung sống hạnh phúc. Hai con riêng của người chồng được bà P. yêu thương, chăm sóc như con ruột, đến nay đều đã khôn lớn, trưởng thành và là niềm tự hào của gia đình.
Từ chuyện không thể sinh con
Nhưng sau 12 năm chia ngọt sẻ bùi, khi con cái đều đã tự lo được cho bản thân, những tưởng tình già càng thêm thắm thiết thì bà P. lại kéo chồng ra TAND TP.HCM, nằng nặc đòi ly hôn.
Không ai hiểu được vì điều gì mà hai con người đã từng yêu thương nhau thắm thiết giờ đây lại không ngần ngại tố cáo nhau trước tòa từ những điều nhỏ nhặt nhất. Họ tranh giành nhau quyết liệt từng món đồ trong nhà, từng đồng tiền gửi tiết kiệm, không ai chịu nhường ai một phân.
Tại phiên tòa hôm ấy, bà P. không ngừng khóc lóc vì thường xuyên bị chồng chửi bới, xúc phạm. “Ông ta luôn đem chuyện tôi không thể sinh nở ra để chì chiết, xúc phạm. Nhiều lần ông ta dọa đánh khiến tôi phải trốn sang nhà họ hàng lánh mấy ngày. Hàng xóm cũng đã quá quen với cảnh cãi vã của vợ chồng tôi. Giờ đây, ông ấy không còn là người đàn ông chia ngọt sẻ bùi với tôi nữa” - bà P. vừa khóc vừa kể.
Ngược lại, ông T. cho rằng mình luôn bị vợ coi thường, xem như kẻ ăn bám trong nhà vì nghỉ hưu sớm, không kiếm được tiền. Ông T. còn khẳng định bà P. có người đàn ông khác nên mới tìm cớ ly thân để dọn ra ngoài với tình nhân. Hai bên không tiếc lời tố cáo, mạt sát nhau trước tòa.
Thế rồi cuộc khẩu chiến của vợ chồng tuổi xế chiều càng thêm căng thẳng khi bàn đến vấn đề phân chia tài sản. Bà P. cho rằng căn nhà là tài sản riêng vì bà đứng tên giấy tờ trước hôn nhân. Bà chỉ đồng ý trả lại phần công sức chồng đóng góp xây sửa nhà cũ thành căn nhà bốn tầng như hiện nay.
Trái lại, ông T. cho rằng chi phí thiết kế, xây dựng căn nhà mới đều do ông một tay lo liệu. Nếu chia tay, ông T. yêu cầu vợ phải trả cho mình số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Cuối cùng, tòa quyết định cho vợ chồng ông T. ly hôn, bà P. có trách nhiệm hoàn trả cho ông T. hơn 400 triệu đồng, tương đương 60% giá trị căn nhà (theo định giá).
Kết thúc phiên xử, ông T. bức xúc cho biết sẽ kháng cáo vì cho rằng mình phải được hưởng 80% giá trị căn nhà, chứ không phải 60% như tòa phán quyết.
Đến tranh giành tài sản
Ở một phiên xử khác, vợ chồng ông H. (68 tuổi) và bà K. (58 tuổi) cũng đưa nhau ra TAND TP.HCM ly hôn sau 30 năm tình nghĩa mặn nồng nhưng không có con.
Ra tòa, ông H. trình bày: “Tôi rất ngỡ ngàng khi phát hiện tất cả tài sản mình làm ra đều do vợ giữ và đứng tên gồm hai căn hộ chung cư và các khoản tiền tiết kiệm”.
Theo ông, tiền mua nhà có được là khoản tiền bồi thường giải tỏa nhà cũ ông được cấp khi làm cán bộ một công ty tại TP.HCM và tiền người anh ở nước ngoài gửi về. Ngoài ra, ông còn bỏ thêm 300 triệu đồng để trang trí, sửa sang cho hai căn hộ thêm khang trang, sáng sủa, một để ở và một cho thuê.
Hiện chi phí hằng ngày của hai vợ chồng gói gọn trong khoản lương hưu của ông (7 triệu đồng) và của bà (gần 4 triệu đồng). Tiền cho thuê nhà mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng gửi tiết kiệm. Tại phiên tòa, khi nghe vợ khai tài sản chung của hai người chỉ có một sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng, ông H. chỉ còn biết lắc đầu cay đắng.
Không những thế, bà K. còn khẳng định hai căn nhà đều là tài sản riêng của mình, không liên quan gì đến chồng. “Chồng tôi làm nhà nước, lương ba cọc ba đồng, nếu không phải nhờ tôi tháo vát, buôn bán kiếm lời thì đến cái nhà e rằng ông ta cũng chẳng có mà ở” - bà K. nói.
Ông H. thì bức xúc đáp lại: “Bà thì buôn bán gì? Chỉ làm cái chân văn thư quèn đến tuổi nghỉ hưu, thời gian đâu mà kinh doanh, buôn bán?”.
Nghe chồng nói vậy, bà K. bật khóc, quay ra trách móc người đàn ông mà mình suốt mấy mươi năm đầu ấp tay gối sao có thể thốt ra những câu vô tình đến vậy.
Phiên tòa dường như chùng hẳn xuống. Ông H. hạ giọng nhưng nói trong chua chát: “Tôi bây giờ già yếu, lại không con cái gì, không biết trông cậy vào ai, vậy mà bà nỡ lòng nào cướp hết tài sản, đẩy tôi ra đường với hai bàn tay trắng. Dù không còn thương nhau thì bà cũng nên cám cảnh già cả neo đơn mà bớt cho tôi một con đường sống”.
Ngay lúc đó, căng thẳng lại bị đẩy lên cao khi bà K. kiên quyết không nhượng bộ trước chồng. Những người có mặt tại phiên tòa chỉ còn biết thở dài ngao ngán, không hiểu tại sao người ta có thể từ chỗ yêu thương quay sang tranh giành với nhau như vậy.
Cuối cùng, HĐXX quyết định chia ông bà mỗi người sở hữu một căn chung cư và nửa số tiền trong sổ tiết kiệm 50 triệu đồng.
Hòa giải thành hơn 83% các vụ việc ly hôn Mới đây TAND TP.HCM đã sơ kết thí điểm về việc hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp TP.HCM. TP hiện có 10 trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp, đã tiếp nhận 4.869 đơn khởi kiện và hòa giải thành hơn 2.219 vụ việc, trong đó các vụ việc hôn nhân gia đình có tỉ lệ hòa giải thành cao nhất (đạt tỉ lệ 83,31%). |