Đầu năm 2023 sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

(PLO)- Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 39 triệu mét khối cát đắp nền đường để thi công các dự án giao thông trong vùng ĐBSCL.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-12, tại tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ TN&MT có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long bàn về giải pháp giải quyết khó khăn về nguồn cát để thi công các dự án cao tốc sắp triển khai.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết dự kiến đầu tháng 1-2023, các chủ đầu tư sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Ảnh: MINH THƯ

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết dự kiến đầu tháng 1-2023, các chủ đầu tư sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Ảnh: MINH THƯ

Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết dự kiến đầu tháng 1-2023, các chủ đầu tư sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Vì vậy, việc chuẩn bị nguồn cát cung cấp cho các dự án là vấn đề bức thiết hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, giai đoạn 2021-2025 để thi công các dự án giao thông trong vùng ĐBSCL, nhu cầu cát đắp nền đường dự kiến khoảng 39 triệu m3. Trong đó, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần hơn 18 triệu m3 và dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 17 triệu m3. Ngoài ra, còn có các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư cũng sẽ được triển khai thời gian tới.

Từ thực tế đó, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị các địa phương tính toán lại trữ lượng cát, đồng thời, mong muốn Bộ TN&MT có sự điều tiết phù hợp để đảm bảo nguồn cát vật liệu cung cấp cho các dự án giao thông.

Nói về nguồn cát cho dự án cao tốc, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tiết lộ địa phương sẽ đảm bảo cung cấp cát đối với đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh. Riêng đối với TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, phía tỉnh An Giang dự kiến sẽ hỗ trợ mỗi địa phương khoảng sáu triệu m3 cát để đáp ứng nhu cầu thi công cao tốc.

Nhận định về trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết hiện địa phương có 12 mỏ cát. Tuy nhiên, do Sóc Trăng nằm ở cuối nguồn sông Hậu, nên trong cát thường có bùn xen kẽ, lẫn nhiều tạp chất, khó đáp ứng chất lượng để thi công.

Trong khi đó, trữ lượng cát biển của tỉnh còn khoảng 13 tỉ m3, thuận lợi nữa là độ mặn không cao. Do đó, nếu thời gian tới, các Bộ ngành nghiên cứu đánh giá và thử nghiệm thành công, thì nguồn cát này sẽ đảm bảo cung ứng cho cả khu vực.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên lưu ý các địa phương khi thực hiện việc nâng công suất khai thác phải luôn đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng dòng chảy. Ảnh: MINH THƯ

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên lưu ý các địa phương khi thực hiện việc nâng công suất khai thác phải luôn đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng dòng chảy. Ảnh: MINH THƯ

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay theo báo cáo từ các tỉnh, việc đề xuất nâng công suất mỏ cát lên 50% đều chưa có báo cáo cụ thể.

Do đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay Bộ sẽ phối hợp với Bộ, ngành liên quan để có báo cáo gửi Chính phủ nhằm điều tiết nguồn vật liệu, phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia. Trước khó khăn về nguồn cát thi công hiện nay, Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các địa phương cần rà soát cụ thể nhu cầu, nguồn cát trên địa bàn, từ đó tính toán cân đối phục vụ thi công cho hai tuyến cao tốc, trong đó, ưu tiên cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng lưu ý các địa phương khi thực hiện việc nâng công suất khai thác phải luôn đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng dòng chảy và phải giám sát chặt trong quá trình khai thác.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm: “Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang được các địa phương triển khai quyết liệt thực hiện rất quyết liệt”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm