Đây là thông tin được lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như đại diện Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chia sẻ tại cuộc làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Công Thương, ngày 14-11.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN thuộc quản lý của bộ về cơ bản đã hoàn thành về tiến độ nhưng tiến độ vẫn chưa đảm bảo.
Với Sabeco, Habeco, Bộ trưởng khẳng định Nhà nước không bán bia nhưng công tác thoái vốn phải đảm bảo không mất vốn nhà nước. “Không được chủ quan và phải làm thế nào để vừa bán được giá cao nhất mà không mất thương hiệu” - Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ tại cuộc họp với tổ công tác của Thủ tướng sáng 14-11. Ảnh: NB
Ông Trần Tuấn Anh cũng nêu quan điểm nhất quán, Bộ Công Thương được giao chủ trì bán vốn với các nguyên tắc rất rõ ràng, quá trình thực hiện cũng bám rất sát nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề. Trong đó, riêng về pháp lý có câu chuyện đối tác chiến lược với Carlsberg, các thủ tục liên quan tới cổ phần hóa, nhiều quy định cần giải quyết với nhiều cơ quan, khó có thể giải quyết đến từ nay đến cuối năm.
"Nhiều vấn đề liên quan tới nhiều đối tác, khuôn khổ pháp lý khác nhau nên cần có sự tham gia của các bộ, ngành. Không thể nhanh, không thể rút ngắn thời gian được" - Bộ trưởng cho biết.
Còn ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), thì chia sẻ vấn đề vướng mắc hiện nay liên quan đến thoái vốn ở Habeco là đàm phán với Carlsberg vẫn chưa đạt được thống nhất. Trong khi đó, Sabeco đã hoàn tất thủ tục hồ sơ niêm yết gửi sàn chứng khoán TP.HCM. Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến tư vấn về hợp đồng giữa Habeco và Carlsberg. Quá trình đàm phán không hề đơn giản và phải xử lý khéo léo.
"Thủ tướng yêu cầu thoái toàn bộ hơn 81% vốn tại Habeco cũng như hơn 53% vốn tại Sabeco trước ngày 31-12-2016. Tuy nhiên, việc thoái vốn phải đảm bảo công khai, minh bạch, theo quy luật thị trường nhưng quá trình thực hiện rất mất thời gian” - ông Dũng nói.
Trao đổi bên lề với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch Habeco, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Công Thương, Habeco chính thức lên sàn Upcom (Hà Nội) từ ngày 28-10; mọi việc vẫn diễn ra khá suôn sẻ, giá cổ phiếu ban đầu đưa ra là 39.000/cổ phiếu nhưng đến nay đã lên hơn 100.000 đồng/cổ phiếu. Habeco sẽ chuyển giao dịch vào sàn chứng khoán TP.HCM (Hose) thay vì Upcom như hiện nay.
“Việc thay đổi này sẽ cần có ý kiến của HĐQT và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12 năm nay. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã thành lập ban chỉ đạo, tổ đàm phán kỹ thuật với Carlsberg đảm bảo giá có lợi nhất và minh bạch, công khai” - ông Hạ cho hay.
Ở góc độ khác, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Sabeco, cho biết Sabeco là doanh nghiệp có vốn nhà nước rất lớn, doanh thu và lãi lớn nên việc chọn phương án thoái vốn thế nào cho hiệu quả là câu chuyện cần bước đi thận trọng. Chín tháng năm 2016 Sabeco đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm, lợi nhuận tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015.
“Trên cơ sở tình hình kinh doanh thuận lợi, ngày 4-11, Sabeco đã hoàn thành nộp tất cả hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, mọi việc sẽ được triển khai. Quá trình thoái vốn ở Sabeco cần đảm bảo công khai, minh bạch nhưng vẫn giữ được thương hiệu, đem lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước. Sabeco sẽ thực hiện đấu thầu công khai chọn nhà tư vấn cho quá trình này” - ông Hà chia sẻ.