DỰ ÁN ĐIỆN MẶT TRỜI LỚN NHẤT VIỆT NAM

Đầu tư 13,7 triệu USD rồi cất vào kho?

Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam hiện đang được triển khai dưới dạng cấp phát trực tiếp vốn vay ODA của Hàn Quốc cho tám xã hẻo lánh miền núi của bốn huyện tại Quảng Bình gồm Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Điện cho 1.300 hộ dân

Năm 2010 dự án này được khởi động tìm kiếm nguồn vốn, chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua hiệp định vốn vay ODA với số tiền 12 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam 1,783 triệu USD. Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời đảm bảo điện cho 1.300 hộ dân, 78 cơ quan, dịch vụ công của các xã vùng sâu, vùng xa.

Năm 2012 tỉnh Quảng Bình thành lập Ban Quản lý (BQL) Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời, bổ nhiệm ông Mai Văn Nhị làm giám đốc dự án. Tuy nhiên, ban điều hành dự án đã để xảy ra lình xình trong đấu thầu, kiện cáo khiến dự án chậm một năm so với tiến độ, kéo dài thời gian hoàn thành đến cuối năm 2016. Theo ông Võ Quang Minh, Giám đốc dự án vừa được thay mới: Mặc dù là vốn vay nước ngoài nhưng được ưu tiên cấp vốn dưới dạng ngân sách. Nghĩa là Quảng Bình được hưởng lợi từ dự án, còn việc trả nợ vay cho chính phủ Hàn Quốc thuộc trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam.

Hiện việc đấu thầu lại đã hoàn tất và ngày 19-1-2015, BQL dự án đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp trúng thầu. Hiện đang bàn giao mặt bằng và chỉ chờ thi công xong mặt bằng để lắp ráp thiết bị. Dự kiến cuối năm 2015 một số nơi sẽ có điện và hết năm 2016 sẽ hoàn thành dự án.

Vùng núi nhiều nơi còn khó khăn, có nhất thiết phải đưa cả điện mặt trời và điện lưới quốc gia cùng lúc khi bà con cần vốn để sản xuất?  Ảnh: Đại Tân

Dự án điện lưới chồng lên

Dự án điện mặt trời đang triển khai thì ngày 16-4-2014, một dự án kéo điện lưới quốc gia về đúng các địa bàn khó khăn trên được phê duyệt theo Quyết định số 2908 của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài trên cơ sở tham mưu của Giám đốc Sở Công Thương Phan Văn Thường. Dự án điện lưới này trị giá 368 tỉ đồng từ vốn ngân sách trung ương, giao cho Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 (2014-2015) phân bổ 180 tỉ đồng thực hiện tại bốn xã vùng cao huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh. Giai đoạn 2 (2016-2020) đầu tư cho 11 xã các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch và Quảng Ninh.

Văn bản của giám đốc Sở Công Thương đề nghị cất vào kho thiết bị dự án điện triệu đô. Ảnh: Đại Tân

Khi phát hiện dự án kéo điện lưới quốc gia về cho các xã vùng sâu, vùng xa trùng với dự án điện mặt trời đang triển khai, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình lại tìm cách để duy trì cùng lúc hai dự án bằng văn bản đề xuất UBND tỉnh cho phép tháo dỡ các vật tư, thiết bị của dự án điện mặt trời cất vào kho làm vật tư thay thế khi những nơi đó có điện lưới quốc gia.

Tìm hiểu của chúng tôi từ một chuyên gia cho thấy tại hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) thì cả điện mặt trời và điện lưới có thể cùng về đích cuối năm 2015. Hai xã này chiếm gần 50% vốn dự án. Ngoài ra, với dự án điện mặt trời thì số tiền 13,7 triệu USD đã chuyển thành các gói thầu để thực hiện nhưng giám đốc Sở Công Thương lại đề nghị đưa vào kho làm vật tư thay thế thì hoàn toàn không phù hợp, gây lãng phí vô cùng.

Vì sao Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình không tham mưu báo cáo với UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Chính phủ hai dự án cùng mục đích trùng khít nhau để có phương án điều phối cho các vùng khó khăn khác nhằm tránh lãng phí?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm