UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển kè sông và kinh tế
dịch vụ ven sông TP.HCM năm 2024 - 2025, trong đó đề ra nhiệm vụ ưu tiên đầu tư khu vực sông Sài Gòn chảy qua trung tâm TP.
Đầu tư hai đoạn ven sông quan trọng
Để thực hiện tổng thể đề án, UBND TP.HCM giao nhiệm vụ: UBND các quận huyện và TP Thủ Đức rà soát quy hoạch, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế quản lý đặc thù. Đồng thời, chủ động ghi vốn, đề xuất dự án, xúc tiến kêu gọi đầu tư công viên cây xanh dọc sông, hạ tầng xanh đa chức năng theo ý tưởng kế hoạch đề án từ các nguồn lực, triển khai các công trình, dự án thuộc hành lang sông Sài Gòn.
Trước mắt, UBND TP yêu cầu các đơn vị, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực đầu tư khu vực trung tâm sông Sài Gòn chảy qua gồm: bờ Đông sông Sài Gòn từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận.
Đối với khu vực bờ Tây sông Sài Gòn từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận có thể chia thành các đoạn: Đoạn từ cầu Sài Gòn đến trung tâm, đoạn qua trung tâm và đoạn từ quận 1 về cầu Tân Thuận.
Đoạn từ cầu Sài Gòn đến khu trung tâm hiện đã có kế hoạch làm đường ven sông từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn, dài gần 4km, tổng vốn khoảng 3.380 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 - 2030. Dự án chia làm hai đoạn, trong đó đoạn từ cầu Ba Son đến Tân Cảng dài gần 1,95km sẽ đầu tư rộng 31 - 35m. Đoạn từ cầu Sài Gòn đến Thanh Đa dài 1,98km dự kiến rộng 20-50m.
Đoạn trung tâm đã hình thành Công viên bến Bạch Đằng và các cảng buýt thủy là đoạn đẹp nhất ven sông Sài Gòn hiện nay, đoạn từ quận 1 về cầu Tân Thuận (dọc đường Nguyễn Tất Thành) được nhiều chuyên gia đánh giá là “khu đất vàng” chưa được khai thác triệt để.
Theo TS - kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM, chúng ta nên suy nghĩ, nghiên cứu kết nối giao thông (cả giao thông công cộng) để khai thác dải đất ven sông khu quận 4 (từ đầu quận 1 kéo dài đến đường Nguyễn Tất Thành).
Nếu giao thông công cộng thuận lợi, nơi đây sẽ kích hoạt cả hành lang ven sông Sài Gòn và trong tương lai. Khu này sẽ trở thành một trung tâm kết nối mới của TP rất sống động khi ven sông và kết nối với trung tâm TP", ông Tuấn nhìn nhận.
Ông Tuấn nêu thực tế khu này có rất nhiều điểm hội tụ thuận lợi. Cụ thể như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nằm ngay trên đường Nguyễn Tất Thành, nhìn ra Bến Nhà Rồng. Khu ven sông này có các quỹ đất chưa khai thác, có bến cảng, có giá trị văn hóa, lịch sử.
Đối với bờ Đông sông Sài Gòn từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương, trong đó đoạn từ cầu Ba Son chảy qua khu đô thị Thủ Thiêm (đối diện trung tâm) đã có công viên bờ sông được hình thành thu hút đông đảo người dân đến tham quan, ngắm cảnh sông nước và tham gia các sự kiện, lễ hội ven sông.
Còn lại toàn bộ khu ven sông đoạn bờ Đông này bao trọn khu đô thị Thủ Thiêm, dự kiến sẽ hình thành quảng trường TP.HCM và các dự án dọc sông của khu đô thị này trong tương lai.
Kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước
Để thực hiện đồng bộ, UBND TP giao Sở KH&ĐT TP triển khai các hoạt động xúc tiến kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án xây dựng phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn.
UBND TP yêu cầu Sở KH&ĐT TP chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, tổng hợp, đề xuất khả năng cân đối nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công hàng năm cho các dự án đầu tư xây dựng kè sông để thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng cân đối của TP.
UBND TP giao Sở GTVT TP phối hợp với Sở QH-KT TP nghiên cứu, chia sẻ cơ sở dữ liệu, tích hợp các giải pháp kết nối giao thông giữa hai bờ, kết nối giao thông đường sắt, thủy, bộ; xây dựng giải pháp kè bờ sông, phát triển không gian bến bãi.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất tích hợp đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông gắn với phát triển không gian thương mại dịch vụ (bến du thuyền - marina, công trình dịch vụ), gắn kết các vị trí các trọng điểm kết nối dọc hành lang sông Sài Gòn.
"Sở TN&MT TP phối hợp với Sở KH&ĐT TP đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng và phát huy có hiệu quả tối đa đối với nguồn lực đất đai tại các khu vực dọc sông Sài Gòn. Cùng đó, đảm bảo cân bằng nguồn lực đất đai phục vụ đầu tư, xây dựng công trình, phát triển kinh tế đảm bảo bảo tồn môi trường tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực", UBND TP lưu ý.
"Kinh tế dịch vụ ven sông có tiềm năng rất lớn, như các hoạt động, môn thể thao dưới nước, hay khai thác các bến bãi làm chỗ neo đậu cho du thuyền, qua đó kết nối các dịch vụ ăn uống vui chơi ven bờ cho người chơi du thuyền là điều chúng ta có thể khai thác", bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng kinh tế UBND quận 7 cho biết.
Bà Thanh cũng cho rằng, để phát triển tốt dịch vụ kinh tế ven sông thì cần quy hoạch bến bãi hoàn chỉnh, các kế hoạch kèm theo như kế hoạch sử dụng đất ven sông, sử dụng mặt nước như thế nào cũng cần được tính toán để triển khai một cách đồng bộ.