Đi tìm khu đất giá trị nhất ven sông Sài Gòn

(PLO)- Nhiều chuyên gia cho rằng khu ven sông kéo dài từ đầu quận 1 tới đoạn đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) được xem là “khu đất vàng” chưa được khai thác triệt để.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bài toán khai thác kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, nhiều chuyên gia nhận định: Dải ven sông từ đầu quận 1 tới đoạn đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) có bến Nhà Rồng, cảng hành khách tàu biển, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cảng Nhà Rồng - Khánh Hội và các chứng tích lịch sử khác. Đây được xem là nơi thuận lợi để làm một hub (trung tâm) thu hút tri thức, kinh tế và văn hóa, lịch sử ven sông.

Dải đất ven sông giá trị nhưng chưa được khai thác

“Thí điểm của dự án “đánh thức rồng xanh” sông Sài Gòn ở các quận trung tâm gồm bảo tồn di sản, phát triển đất nâu - đất công - đất công nghiệp không còn sử dụng như kho cảng - khu công nghiệp, nắm bắt giá trị đất và triển khai dự án đô thị tích hợp” - TS - kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM, cho biết.

Theo đó, ông Tuấn cho rằng nên suy nghĩ, nghiên cứu kết nối giao thông (cả giao thông công cộng) để khai thác dải đất ven sông khu quận 4 (từ đầu quận 1 kéo dài đến đường Nguyễn Tất Thành). Nếu giao thông công cộng thuận lợi thì nơi đây sẽ kích hoạt cả hành lang ven sông Sài Gòn và trong tương lai, khu này sẽ trở thành một hub mới của TP.

“Khu này rất hấp dẫn, vô cùng sống động khi ở ven sông và kết nối với trung tâm TP. Nó sẽ khai thác rất hiệu quả các dải đất ven sông và khu đất có giá trị văn hóa, lịch sử. Thế nhưng chúng ta cần giải quyết bài toán giao thông do đường Nguyễn Tất Thành còn chật hẹp, vấn đề kích hoạt quỹ đất cũng là bài toán then chốt” - ông Tuấn nói thêm.

Ông Tuấn nêu thực tế là hiện nay khu này có rất nhiều điểm hội tụ thuận lợi. Cụ thể như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nằm ngay trên đường Nguyễn Tất Thành nhìn ra bến Nhà Rồng. Khu ven sông này có các quỹ đất chưa khai thác, có bến cảng, có giá trị văn hóa, lịch sử…

“Vai trò của trường đại học, thư viện rất quan trọng khi nó tạo động lực chuyển từ kinh tế thông dụng sang nền kinh tế tri thức, hiện chúng ta có Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - một trường tiên phong trong đổi mới sáng tạo khi có các vườm ươm đổi mới sáng tạo có sẵn trong trường” - ông Tuấn đánh giá.

Vì vậy, khu này sẽ thu hút các doanh nghiệp đến tìm hiểu nếu có các vườm ươm sáng tạo và tương lai sẽ thành khu phức hợp: Giáo dục - đào tạo, trung tâm nghiên cứu, trung tâm ươm tạo, kinh tế số, giải trí…

“Nó sẽ tạo hub mới về việc làm và kinh tế chia sẻ. Đó cũng là thế mạnh đặc biệt của TP.HCM để thu hút nhiều doanh nghiệp về đó đặt trụ sở. Du lịch đường sông, giao thông thủy, du thuyền sẽ có vai trò mang du khách, người dân tới một điểm đến đặc sắc ven sông Sài Gòn” - ông Tuấn phân tích.

sông.jpg
Nhiều chuyên gia cho rằng khu ven sông kéo dài từ đầu quận 1 tới đoạn đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) được xem là “khu đất vàng” chưa được khai thác triệt để. Ảnh: HÀ THANH

Vai trò lịch sử, văn hóa quan trọng

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến đánh giá: Đối với đất ven sông Sài Gòn, nếu phát triển khu bến Nhà Rồng, dọc đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) trở thành một hub thương mại - kinh tế thì rất ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa.

“Tôi cũng đã có dịp đi Paris và luôn bị sông Seine mê hoặc. Khu Thư viện quốc gia Pháp được xây mới hoàn toàn rất đẹp (với bốn tòa nhà biểu tượng hai cuốn sách mở ra). Tôi cũng đặt câu hỏi là ở TP.HCM thì khu nào dọc sông Sài Gòn, đoạn nào thì mình có thể làm tương tự như vậy, có thư viện, có trường đại học, có shopping, cà phê nhẹ nhàng và nó tạo ra khu tri thức hiện đại mới” - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, dải đất ven sông từ đầu quận 1 kéo dài qua đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) nối đến khu Nam Sài Gòn - Phú Mỹ Hưng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tương tự khu ven sông Seine.

PGS-TS Trần Phương Trà, Giám đốc Mạng lưới chính sách kinh tế của Hiệp hội Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), nêu thực tế khu ven sông Seine, nơi có Thư viện quốc gia Pháp có diện tích khoảng 130 ha. Đây cũng là khu công nghiệp cũ trước đây được Pháp chuyển đổi thành khu tri thức.

“Bắt đầu từ công trình bốn tòa nhà (tạo hình thành hai cuốn sách đang mở ra) của Thư viện quốc gia Pháp, là công trình điểm nhấn, rồi phát triển các công trình còn lại đi theo định hướng chiến lược ban đầu và theo từng giai đoạn để chuyển đổi thành khu rất có giá trị ven sông Seine” - bà Trà nêu kinh nghiệm.

Tuy nhiên, khi phát triển, Pháp giữ lại cá tính của khu vực này khi trước đây là khu công nghiệp, có rất nhiều nghệ sĩ vẽ trên tường. Sau này khi phát triển thành khu tri thức thì cũng có những khu triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đường phố ở đó, ngay dưới chân tòa thư viện cũng để các nơi trình diễn cho nghệ sĩ đường phố, có cả các lớp học.

“Đây là cách họ tạo dòng chảy con người tập trung cho khu này, để giữ cá tính, không làm nó mất lịch sử, văn hóa đi khu chúng ta chuyển đổi các chức năng mới. Khu này được quản lý bởi một công ty công tư để đảm bảo phát triển theo lộ trình trong 30-50 năm và nó thành mô hình rất thành công của Paris” - bà Trà nói.

Bà Trà cho rằng TP.HCM cũng có những khu tương tự như vậy, có thể kể đến là dải đất ven sông trên đường Nguyễn Tất Thành. Tuy nhiên, có một số điểm ở khu đất ven sông này chúng ta cần chú ý là sự tiện lợi về mặt di chuyển, để có thể tạo thành khu phức hợp có đầy đủ công năng: Khu vui chơi giải trí, thư viện, trường đại học, hub kinh tế, tri thức…•

Học hỏi kinh nghiệm của Pháp về sông Seine

Tháng 4-2023, đoàn chuyên gia Pháp được giới thiệu bởi AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam, trụ sở tại Pari, Pháp) cùng các ban ngành của TP.HCM đã có chuyến khảo sát dọc sông Sài Gòn. Đến tháng 6-2023, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác cấp cao của TP.HCM đã khảo sát thực địa để học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine (Pháp).

Dự kiến vào chiều 2-3, TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine ở TP.HCM với phần tham luận của liên danh tư vấn AVSE Global và Viện Quy hoạch vùng Paris cùng tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm