4 tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn

(PLO)- Sông Sài Gòn được ví như “con rồng xanh” uốn lượn giữa lòng TP.HCM, đang chờ cơ hội tỉnh giấc để phát triển xứng tầm với giá trị của nó.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để hiểu rõ hơn về những nhiệm vụ, kế hoạch phát triển ven sông Sài Gòn theo đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông của TP, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM.

16 nhiệm vụ thuộc 5 nhóm công việc

. Phóng viên: Hiện nay TP.HCM đang lên kế hoạch khai thác kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn theo đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông của TP, ông có thể cho biết rõ hơn về kế hoạch này và sắp tới TP.HCM sẽ làm gì để thực hiện kế hoạch?

P9-bai-cuongdien-songSG-h2.jpg
TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: NGUYỆT NHI

+ TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn: Quyết định 2184/2021 của UBND TP phê duyệt đề án, các nội dung thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 bao gồm: Hoàn thành nghiên cứu, rà soát và thiết lập cơ chế, chính sách, nguyên tắc tổ chức thực hiện, hoàn thành triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình thí điểm dọc hành lang sông.

Từ kết quả đề án, TP đã triển khai 16 nhiệm vụ thuộc năm nhóm công việc. Nhóm thứ nhất là quán triệt tầm nhìn và phương pháp quản lý tích hợp, đồng bộ với hai nhiệm vụ là định hướng vào kế hoạch công tác của các ngành, lĩnh vực liên quan và các cấp và phân công nhiệm vụ; xác định cơ chế phối hợp thực hiện.

Nhóm thứ hai là hoàn thiện cơ chế, chính sách với ba nhiệm vụ. Hướng dẫn việc phối hợp, tham dự giữa các bên, hợp tác công tư (PPP); các giải pháp tài chính đặc thù triển khai các dự án đầu tư tại khu vực; triển khai dự án tại khu vực và tập trung nắm bắt giá trị đất đai, đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực…

Nhóm thứ ba là quản lý, điều phối hiệu quả nguồn lực với ba nhiệm vụ. Đầu tiên là giải pháp quản lý và sử dụng đất đai khu vực bờ sông, đấu giá tạo quỹ đất, kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm. Thứ hai là lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực quản lý, phối hợp chuyên gia, nghiên cứu khoa học, thứ ba là lập kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế dịch vụ.

Nhóm thứ tư là quy hoạch, thiết kế và xây dựng quy chế quản lý gồm năm nhiệm vụ. Thứ nhất là rà soát, đánh giá và lập điều chỉnh quy hoạch đô thị tại khu vực (đề án điều chỉnh quy hoạch phân kỳ khu vực sông Sài Gòn). Thứ hai là quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực sông Sài Gòn, vận dụng các nhóm giải pháp đã đề ra. Thứ ba là triển khai các đồ án quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc, hướng dẫn thiết kế đô thị. Thứ tư là điều chỉnh hoặc lập mới các đồ án quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị và thứ năm là tích hợp phân vùng không gian đã đề ra vào các đề án thuộc các ngành, lĩnh vực có liên quan.

Nhóm thứ năm là xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng, kết nối giao thông và kết nối hai bờ sông với ba nhiệm vụ. Triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xanh, kè bờ theo nguyên tắc phân kỳ, phân đoạn, phân vùng không gian, gắn với các dự án giao thông đô thị; phối hợp các ngành trong công tác triển khai các dự án giao thông đô thị, gắn với các dự án hạ tầng xanh dọc sông Sài Gòn; lập các dự án đầu tư công trình có liên quan dọc hành lang sông.

TP đã triển khai 16 nhiệm vụ thuộc năm nhóm công việc để phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
TP đã triển khai 16 nhiệm vụ thuộc năm nhóm công việc để phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Bốn khó khăn

. Hàng loạt nhiệm vụ được đưa ra, vậy theo ông, khó khăn trong công tác khai thác kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn nói riêng và sông ngòi ở TP nói chung hiện nay được nhận diện ra sao và cách thức giải quyết như thế nào?

+ Chúng ta có thể nhận diện bốn khó khăn và đề xuất giải pháp.

Đầu tiên là việc tổ chức thực hiện. Hiện chưa có bộ máy chuyên trách được tổ chức nhằm quản lý triển khai dự án. Cạnh đó, kế hoạch thực hiện giao các sở, ban ngành phụ trách vận dụng hiện cũng đang bị phân tán hoặc quá tải bởi nhiều đề án chuyên ngành, lĩnh vực đang quản lý.

Để giải quyết khó khăn này cần một bộ máy quản lý phát triển hiện đại hợp tác công tư (PPP development agency) vừa cần có năng lực điều hành, tổ chức triển khai, quản lý khai thác hiệu quả, sát với nhu cầu thực tế và thị trường, vừa có năng lực kiến tạo chính sách phù hợp, với quan điểm tiếp cận quản lý tích hợp, bao trùm. Đây có thể xem là chìa khóa giúp tổ chức triển khai nhanh và có hiệu quả của một dự án có tầm vóc toàn cầu như dự án phát triển hành lang sông Sài Gòn.

Khó khăn thứ hai là khả năng tiếp cận nguồn lực từ đất. Những khu đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ chưa được tiếp cận thực sự đạt hiệu quả. Việc này cần bắt đầu từ khâu quy hoạch, chính sách quản lý đất đai, gia tăng khả năng tiếp cận từ đường bộ và cả đường sông, từ trên bờ và từ sông. Chúng ta cần cả hai hướng tiếp cận và kết nối những đầu mối này thông qua giải quyết ở khâu quy hoạch và thiết kế đô thị, với yêu cầu hợp tác liên ngành (QH-KT, giao thông, đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng…).

Khó khăn thứ ba là hạ tầng và tính kết nối. Hạ tầng cầu cảng là yếu tố then chốt trong việc tạo điều kiện thúc đẩy và kết nối hiệu quả, phát huy vai trò của dòng sông với các hoạt động kinh tế dịch vụ. Kết nối về giao thông, các tiện ích và hình thái giao thông thủy bộ, tiện ích giao thông tiếp cận, bến bãi, chỗ đậu xe, các liên kết đi bộ… cần được cải thiện, nhằm gia tăng khả năng tiếp cận hiệu quả nhất của người sử dụng đến những dịch vụ ven sông.

Thứ tư là về chính sách. Để phát huy khả năng đi lại, vận chuyển đường thủy, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bến bãi, cụm ngành công nghiệp đóng và sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền, các phương tiện đi lại, phù hợp với đa dạng các nhu cầu, khả năng và điều kiện của TP… cũng cần được phục hưng và phát triển.

“Dọc hành lang sông Sài Gòn là chuỗi giá trị sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề và những dấu ấn di sản truyền thống và đô thị, hòa trộn với đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên mang nhiều nét đặc trưng chưa được khám phá”.

Bốn tiềm năng có thể khai thác

. Ông có thể cho biết tiềm năng khai thác kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn là như thế nào? Có điểm gì đặc biệt?

+ Có thể nhìn thấy bốn tiềm năng.

Thứ nhất về du lịch. Du lịch đường thủy dọc sông Sài Gòn, kết nối các tuyến kênh rạch, dọc hành lang sông từ thượng nguồn, là một hành trình giàu tiềm năng giải trí kết hợp quảng bá thương hiệu xanh của một TP sông nước, gắn với việc xây dựng thương hiệu nông sản cho vùng TP.

Thứ hai về logistics. Phát huy thế mạnh cấu trúc nước lan tỏa, len lỏi vào đất liền, đô thị. Vận tải đường thủy cũng là một lựa chọn có nhiều ưu điểm về phương diện thời gian và kinh tế vận chuyển hay việc tận dụng một số vị trí cầu cảng từng được khai thác, sử dụng trước đây.

Thứ ba về giao thông thủy. Phục vụ di chuyển, đi lại trong đô thị, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng và phát huy phương thức giao thông thủy qua gắn kết tích hợp với các phương tiện giao thông đường sắt, đường bộ. Ngoài ra, việc đóng tàu, khai thác du thuyền hoặc các phương tiện di chuyển dưới nước hiện là một ngành công nghiệp tỉ đô có khả năng mang lại dấu ấn phát triển mạnh về kinh tế sông nước cho TP.

Thứ tư là hệ sinh thái dịch vụ gắn với ngành công nghiệp văn hóa. Dọc hành lang sông Sài Gòn là chuỗi giá trị sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề và những dấu ấn di sản truyền thống và đô thị, hòa trộn với đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên mang nhiều nét đặc trưng chưa được khám phá. Một cấu trúc hạ tầng xanh dọc sông Sài Gòn vừa có tính thúc đẩy kinh tế, vừa có giá trị xã hội trong việc nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị thông qua góp phần gia tăng nhanh chóng diện tích công viên cây xanh đô thị…

Chính vì thế, các khu “bến nước” đa chức năng và có hiệu quả khai thác cao là một dạng hạ tầng dịch vụ thúc đẩy nền kinh tế xanh lam của TP, một nền kinh tế dựa vào lợi thế tự nhiên, có khả năng gắn kết sâu với chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời phát huy thế mạnh đặc thù và bản sắc văn hóa sông nước - hướng biển của một nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi xanh.•

Xin cảm ơn ông!

Theo Sở QH-KT TP, quỹ đất ven sông hồ, kênh rạch có tiềm năng khai thác giá trị thương mại cao. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung chỉnh sửa sớm Quyết định 22/2017 của UBND TP.HCM về ban hành các quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm