Để kinh tế ven sông Sài Gòn là thế mạnh nổi bật của TP.HCM

(PLO)- Phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn là hướng đi đầy triển vọng để gia tăng nguồn thu, tạo thế mạnh đặc trưng cho TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-12, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn”. Tại đây, nhiều lãnh đạo các sở, ngành, chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đã thống nhất quan điểm cần sớm đánh thức “con rồng đang ngủ quên” - sông Sài Gòn để đẩy mạnh kinh tế ven sông và phát triển ngành du thuyền tỉ đô.

Làm đường ven sông, tích hợp giao thông thủy bộ

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết những đô thị lớn trên thế giới đều được hình thành và phát triển từ các châu thổ ven sông và TP.HCM cũng tương tự.

TP có 1.100 km đường sông, nếu được khai thác một cách hiệu quả sẽ giảm tải cho đường bộ và dẫn dắt nhiều ngành kinh tế cùng phát triển. Hiện TP đang nghiên cứu thực hiện dự án đường ven sông Sài Gòn để phát triển giao thông liên vùng, kết nối với toàn vùng Đông Nam Bộ.

Khi thực hiện tuyến đường này, TP đặt ra năm mục tiêu, thứ nhất là tạo trục giao thông mới dọc hành lang bắc nam TP. Thứ hai là mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, kinh tế ven sông. Thứ ba là khai thác hiệu quả quỹ đất dọc bờ sông. Thứ tư là kết nối với các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 tạo nên một trục hướng tâm, cùng với các quốc lộ 22, 13, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành... Cuối cùng là kết nối liên vùng với Bình Dương và các tỉnh, TP lân cận.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP, cho biết quy hoạch đường ven sông cần đặt trong bối cảnh và tích hợp vào điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 mà TP đang làm.

“Mục tiêu dài hạn là quy hoạch chung, mục tiêu trước mắt là tích hợp quy hoạch, tích hợp giao thông thủy bộ. Sông Sài Gòn có hành lang rộng lớn nên việc tích hợp đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động trên bến dưới thuyền, hoạt động trên mặt nước… là rất quan trọng» - ông Tuấn đánh giá.

Ông Tuấn đặt vấn đề hành lang kinh tế dọc sông Sài Gòn có nội hàm như thế nào và ông cho rằng tọa đàm hôm nay cũng là một bước để cụ thể hóa nội hàm đó như câu chuyện về kinh tế, du lịch đường thủy, hạ tầng bến bãi, giao thông và kinh tế dịch vụ.

Vận dụng Nghị quyết 98 gỡ vướng hạ tầng du lịch ven sông

Tham dự buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận định: “Chúng tôi xác định phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy bao gồm đường ngắn, đường trung và đường xa... Chúng tôi rất cần sự phối hợp của các sở, ngành khác như Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở QH-KT để phát triển đồng bộ từ bến bãi, cầu tàu, bến đậu để cho ra các sản phẩm chất lượng, thuận tiện cho du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tận dụng Nghị quyết 98 để tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng du lịch và phải đào tạo được nguồn nhân lực tốt”.

Bà Hiếu cho biết Sở Du lịch sẽ kêu gọi đầu tư các điểm đến tham quan, giải trí bên cạnh hệ thống bến thủy trong tương lai, xây dựng chuỗi sản phẩm đặc sắc để thu hút du khách.

Cũng xác định phát triển kinh tế ven sông, gắn liền với du lịch đường thủy là hướng đi quan trọng, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Thủ Đức, chia sẻ địa phương đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát trên sông Sài Gòn để xây dựng chiến lược thích hợp.

Theo đó, TP Thủ Đức có vạch ra bảy đoạn tuyến như Thảo Điền - An Phú; An Khánh - Thủ Thiêm - Bình Khánh; Hiệp Bình Chánh - Linh Đông… Các đoạn này có đầy đủ tiềm năng để phát triển kinh tế ven sông, dịch vụ về đêm và giao thông thủy... Hiện TP Thủ Đức đang tiếp tục rà soát, triển khai và tổ chức thực hiện.

p9-bai-toadam-hinhchinh.jpg
Sông Sài Gòn tuyệt đẹp là điều kiện để TP.HCM phát triển hệ sinh thái kinh tế ven sông đa dạng. Ảnh: THU TRINH

Khai thác du lịch hàng hải, bài học quý từ nước bạn

Ông Richard Ward, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Corsair Marine International - nhà cung cấp tàu du lịch nổi tiếng thế giới, đánh giá Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch hàng hải. Tuy nhiên, trên thực tế DN đầu tư vào mảng này ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tìm kiếm kho xưởng, cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách.

Theo ông Richard Ward, để phát triển du lịch sông nước, TP.HCM bắt buộc phải chú trọng phát triển hạ tầng đường thủy. Hiện ở TP.HCM không có một bến du thuyền nào đủ tiêu chuẩn để phục vụ các con tàu, du thuyền mà Corsair Marine đang sản xuất. Thứ hai, cơ chế, chính sách của Việt Nam cần được điều chỉnh cởi mở hơn. Đơn cử như việc xin thử nghiệm tàu, đăng kiểm tàu đang là vướng mắc khó tháo gỡ cho DN. Để hạ thủy, chạy thử một con tàu đôi khi DN phải mất thời gian xin giấy phép nhiều ngày. Ngoài ra, công nghệ đóng tàu phát triển rất nhanh, Việt Nam cần quan tâm và liên tục cập nhật xu thế mới để vừa quản lý tốt vừa tạo điều kiện cho DN hoạt động thuận lợi.

Toạ đàm tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn
Sông Sài Gòn tuyệt đẹp là điều kiện để TP.HCM phát triển hệ sinh thái kinh tế ven sông đa dạng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nói về tiềm năng ngành du lịch hàng hải, bà Rebecca Ball, Phó Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP.HCM, cho biết năm 2022, du lịch hàng hải ở Úc chiếm đến 9,55 tỉ USD và 70% khách du lịch đến Úc đều quan tâm, lựa chọn du lịch hàng hải. TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có sẵn đặc điểm tự nhiên là thế mạnh để xây dựng giá trị kinh tế từ sông và biển.

“Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ, kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào sản xuất tàu và chuỗi hạ tầng hàng hải ở Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với các sở, ngành và sẵn sàng chuyển giao công nghệ với tầm quốc gia để mang lại lợi ích tốt nhất” - bà Rebecca Ball nói.•

Gỡ nút thắt đăng kiểm, mở cửa đầu tư công tư bến thuyền

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Câu lạc bộ Du thuyền TP Thủ Đức (TP.HCM), xác nhận ngành du thuyền đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay, TP có khoảng 100 du thuyền, khoảng 200 ca nô nhưng vướng mắc lớn nhất là khâu đăng kiểm.

Đối với du thuyền, chưa có tiêu chuẩn đăng kiểm rõ ràng, TP cũng không có cơ sở bảo dưỡng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho ngành du thuyền còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ từ sản xuất đến vận hành. Cụ thể, từ khi xây dựng nhà máy đến khi tàu hạ thủy còn rất nhiều thủ tục, có thuyền nhỏ đóng xong phải mang ra tận TP Nha Trang đăng kiểm.

Về hệ thống bến đậu, ông Việt cho rằng TP cần khảo sát các bến thủy nội địa, xác định bến nào có tiềm năng để nâng cấp thành bến du thuyền. Đồng thời có nhiều chính sách để thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, khuyến khích DN cùng đầu tư và khai thác tối đa tiềm năng sông Sài Gòn. Phát triển hệ thống bến bãi, dịch vụ đi kèm và có chính sách thông thoáng để thu hút người chơi du thuyền trong nước và quốc tế đến TP.HCM để tạo ra nguồn thu nhập mới.

TS NGUYỄN THỊ HẬU, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM:

p9-bai-toadam-hinh1-nguyenthihau.jpg

Đừng chỉ chăm chăm phát triển bất động sản

Hiện có nhiều DN tâm huyết, sẵn sàng phát triển kinh tế đường sông gắn với lợi ích cộng đồng. Khi phát triển du lịch đường sông và giao thông đường thủy sẽ hình thành hệ thống các dịch vụ ven bờ như bến bãi, nhà chờ, các điểm đến văn hóa... Chúng ta không nên nhìn bờ sông Sài Gòn và chăm chăm vào phát triển bất động sản mà cần nhìn rộng về các lợi ích khác. Khi đó, phát triển không gian đôi bờ sẽ tạo được một không gian cho du lịch, thương mại, dịch vụ hiện đại mà không tách khỏi nét đẹp văn hóa, bản sắc của dòng sông.

Ông NGUYỄN THÁI BÌNH, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM:

p9-bai-toadam-hinh2-nguyenthaibinh.jpg

Sông Sài Gòn là tài sản vô giá TP đang sở hữu

Chúng tôi rất trân trọng ý kiến của các chuyên gia khi đồng tình sông Sài Gòn là tài sản vô giá mà TP.HCM đang sở hữu và cần có các giải pháp tổng thể để phát triển kinh tế, dịch vụ kết hợp với tiếp thu kinh nghiệm quốc tế.

Qua tọa đàm, các sở, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể để phát triển đường ven sông, tận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 đối với TP.HCM để kêu gọi đầu tư cho hạ tầng bến bãi. Chúng ta có thể kỳ vọng các sở, ngành sẽ tiếp tục phối hợp cùng cơ quan hữu quan và DN truyền tải những kiến nghị, vướng mắc đến lãnh đạo TP nói riêng và Chính phủ, các bộ, ngành nói chung để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đưa ngành du thuyền phát triển và đẩy mạnh kinh tế ven sông Sài Gòn tương xứng với tiềm năng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm