Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Toạ đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn” sáng 12-12 với sự tham dự của lãnh đạo sở, ngành, địa phương và đại diện nhiều doanh nghiệp.
TP Thủ Đức có tiềm năng phát triển kinh tế ven sông
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Phòng Kinh tế, UBND TP Thủ Đức chia sẻ: Ngay từ khi thành lập TP Thủ Đức đã xây dựng các chương trình trọng tâm trọng điểm, phát triển kinh tế ven sông, đã khảo sát dọc sông Sài Gòn.
TP Thủ Đức đã lên chương trình cụ thể, gắn với mục tiêu phát triển của TP Thủ Đức, TP.HCM. TP Thủ Đức muốn xây dựng không gian đô thị dọc bờ sông, đáp ứng không gian kiến trúc, phát triển kinh tế ven sông, gắn với du lịch. Đồng thời, TP Thủ Đức mong muốn phát triển kinh tế gắn với bốn trung tâm logistic của địa phương.
Từ những tiềm năng trên, TP Thủ Đức luôn nỗ lực phát triển kinh tế ven sông dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai với 7 đoạn có tiềm phát triển dọc sông Sài Gòn.
Đơn cử như Khu đô thị Vạn Phúc có tiềm năng phát triển kinh tế ven sông, công viên sinh thái, khu vui chơi ngoài trời. Một số đoạn khác như An Khánh; Trường Thọ; Thảo Điền - An Phú; Hiệp Bình Phước; Hiệp Bình Chánh; An Khánh, Thủ Thiêm, Bình Khánh; Bình Trưng Tây, Thạnh Mỹ Lợi.
Các đoạn trên có đầy đủ tiềm năng để phát triển kinh tế ven sông, các dịch vụ về đêm, đường thủy... Hiện TP Thủ Đức đang đang tiếp tục rà soát, triển khai và tổ chức thực hiện.
Vận dụng Nghị quyết 98 gỡ vướng hạ tầng du lịch
Tại hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhận định: "Chúng tôi xác định phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy bao gồm đường ngắn, đường trung và đường xa... Để làm được điều này, chúng tôi cần sự phối hợp của các sở ngành khác như Sở GTVT TP, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc để phát triển đồng bộ từ bến bãi, cầu tàu, bến neo đậu.
Từ đó, thu hút nguồn đầu tư từ các đơn vị cùng tham gia vào chuỗi sản phẩm du lịch này."
TP.HCM cũng đã xác định để phát triển du lịch đường sông cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các doanh nghiệp và người dân, tổ chức xúc tiến du lịch đường thủy....
Tuy nhiên, bà Hiếu cũng nhận định hiện tour tuyến cho các sản phẩm du lịch đã có nhưng việc du khách tiếp cận với các sản phẩm này, bao gồm mua vé còn nhiều bất tiện.
"Đơn cử như hành khách muốn mua được sản phẩm này phải đến bến tàu, nhưng đến rồi cũng chưa chắc mua được tour. Vì vậy, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để du khách tiếp cận dễ hơn, nhiều hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tận dụng Nghị quyết 98 để tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng du lịch và hạ tầng du lịch nội địa và phải đào tạo nguồn nhân lực tốt cho ngành du lịch. Từ đó, TP sẽ đề ra những giải pháp về mặt chính sách và cơ chế để nguồn nhân lực phục vụ cho các sản phẩm du lịch được quay trở lại và sẵn sàng phục vụ cho các doanh nghiệp có tiềm năng.
Sở Du lịch sẽ kêu gọi đầu tư các điểm đến, các bến hành khách trong tương lai. TP cần phải có nhiều điểm đến đặc sắc, đặc trưng mới có thể thu hút hành khách tới với sản phẩm du lịch.
Vì vậy, chúng tôi sẽ phối hợp kêu gọi đầu tư các tuyến - điểm để trở thành chuỗi sản phẩm du lịch trong thời gian tới" - bà Hiếu nhấn mạnh.