Sáng 22-11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo lên Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ được lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước 654 km với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỉ đồng.
Cụ thể, giai đoạn 2017-2020 đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến Dầu Giây (Đồng Nai) - Phan Thiết (Bình Thuận) - Nha Trang (Khánh Hòa).
Đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết (đoạn gạch đỏ không liền nhau).
Theo một nguồn tin, tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết sẽ là tuyến đường được ưu tiên đầu tư. Cụ thể, trước đó đoàn công tác Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã có buổi đi thực địa khảo sát hiện trường dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết. Cùng đi với đoàn có đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, các cục, vụ thuộc Bộ GTVT và lãnh đạo hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận.
Dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết có chiều dài 98,7 km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51 km đi qua các huyện Thống Nhất, thị xã Long Khánh, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tái định cư của dự án được tách thành tiểu dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư tiểu dự án.
Theo đó diện tích đất thu hồi là 412,05 ha, kinh phí bồi thường GPMB là 861,252 tỉ đồng. Hiện nay đã cơ bản hoàn tất công tác đo đạc, kiểm kê về đất đai, thống kê nhà cửa. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Ban quản lý dự án 1 và các đơn vị liên quan tiến hành các bước tiếp theo để thực hiện công tác GPMB của dự án.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, sau khi có chủ trương về việc thực hiện cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường GPMB. Đến nay đã hoàn tất các thủ tục thông báo thu hồi đất, kiểm kê tài sản, xét pháp lý nguồn gốc đất và cơ bản phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đoạn cao tốc qua Bình Thuận có 541 hộ phải giải tỏa, diện tích thu hồi 287 ha, trong đó có 28 hộ phải tái định cư tập trung với kinh phí trên 218 tỉ đồng. Đồng thời để bố trí tái định cư, tỉnh đã triển khai đầu tư khu tái định cư xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam với kinh phí đầu tư 5,2 tỉ đồng.
Ngay khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc-Nam, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phối hợp với Bộ GTVT ưu tiên triển khai sớm nhất tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết để phát triển kinh tế-xã hội và góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh.
Theo Bộ GTVT, đoạn cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết cùng với đoạn Hà Nội-Vinh nằm trong dự án đường cao tốc Bắc-Nam là những đoạn quan trọng, có tốc độ phát triển kinh tế năng động bậc nhất cả nước nên cần đầu tư trước để kết nối giao thông, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 11-5, ông Nguyễn Cao Lực, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng đã có Thông báo số 218/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để ưu tiên triển khai sớm nhất dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc-Nam.