Ngày 30-7, đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất phương án đầu tư xây dựng nút giao thông ngã tư Vũng Tàu và vòng xoay cổng 11 (trên quốc lộ 51) để trình Bộ Giao thông vận tải.
Áp lực giao thông sẽ tăng mạnh trong 2 năm tới
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện lưu lượng xe trên Quốc lộ 51 tại một số đoạn tuyến đường kết nối đang trong tình trạng quá tải nên đã giảm khả năng phục vụ và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, đến năm 2026, các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo áp lực rất lớn tới giao thông trong khu vực.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải vào Cảng Cái Mép - Thị Vải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ, tỉnh cần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ.
Do đó, việc nghiên cứu đầu tư, cải tạo các nút giao chính trong khu vực là hết sức cần thiết. Trong đó, việc đầu tư, cải tạo 2 nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 được đánh giá là hết sức cấp bách.
Đây là nút giao thông rất quan trọng, có lượng phương tiện lưu thông lớn không chỉ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà còn cả khu vực. Đây cũng là những điểm nóng về tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông.
Áp dụng nút giao khác mức nhiều tầng cho khu vực ngã tư Vũng Tàu
Tại nút giao thông ngã tư Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế nút giao khác mức nhiều tầng, có kiến trúc hiện đại, hạn chế giải phóng mặt bằng và có tính thẩm mỹ cao.
Cụ thể, hướng từ quốc lộ 51 sẽ cải tạo hầm cong rẽ trái (đang có 1 hướng về TP.HCM) thành hầm đi thẳng từ Quốc lộ 51 về cầu An Hảo và xây dựng thêm một đơn nguyên hầm để tạo thành 4 làn xe đi thẳng, tạo thành hai chiều ngược lại.
Thay thế cầu trực thông trên Quốc lộ 1 có chiều dài nhịp ngắn (khoảng 35m) không phù hợp với quy mô mặt cắt ngang đường Quốc lộ 51 (quy mô 56m) và đường Lê Văn Duyệt (quy mô 54m), xây dựng 4 nhánh rẽ trái trực tiếp bằng các nhánh cầu.
Bên cạnh đó sẽ xây dựng cầu thép vượt nhẹ dọc theo Quốc lộ 1 cho xe máy đi thẳng trên Quốc lộ 1 hướng từ TP.HCM về Đồng Nai. Sau đó sẽ tổ chức giao thông dưới cầu cho xe máy và ô tô rẽ phải.
Theo tính toán, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 4.749 tỉ đồng. Trong đó chi phí xây dựng khoảng gần 2.900 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 900 tỉ đồng và chi phí khác là hơn 900 tỉ đồng.
Thiết kế nút giao thông hoa thị tại Cổng 11
Nút giao thông Cổng 11 sẽ có phương án thiết kế xây dựng nút liên thông hoàn chỉnh gồm các cầu vượt và nhánh hoa thị kết nối giao thông hoa thị hoàn chỉnh. Tổng mức đầu tư hơn 8.433 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 4.638 tỉ đồng, xây dựng gần 2.900 tỉ đồng.
Dự án chia làm 2 giai đoạn phân kỳ. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện công tác lập quy hoạch cho toàn bộ quy mô nút giao. Đồng thời, giải phóng mặt bằng mở rộng đảo xuyến tự điều chỉnh, một phần vực mố, tường chắn cầu vượt trong nút giao và đoạn nối giao ra nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Sau đó sẽ xây dựng cầu vượt 2 chiều dọc theo đường Võ Nguyên Giáp vượt qua ngã tư giữa đường Bùi Văn Hòa với đường Võ Nguyên Giáp và ngã 3 giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường Quốc lộ 51.
Xây dựng nút giao đảo xuyến tự điều chính dưới cầu vượt và xây dựng cầu vượt 1 chiều theo hướng Bùi Văn Hòa đi TP Vũng Tàu vượt qua nút giao ngã 3 giữa đường Bùi Văn Hòa và đường Quốc lộ 51. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là khoảng hơn 3.500 tỉ đồng.
Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện cầu vượt và các nhánh hoa thị để kết nối giao thông hoa thị hoàn chỉnh.