Đó là những câu hỏi được nhiều ông bố, bà mẹ đặt ra trong buổi giao lưu với nhà thơ - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai vào sáng nay (14-8) tại Trung tâm sách Kim Đồng (quận 1, TP.HCM). Chương trình do Hội quán Các bà mẹ phối hợp với NXB Kim Đồng tổ chức với chủ đề chính “Những bậc thang bước vào trang sách”.
Nhà thơ - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai cho rằng bố mẹ không nên bắt ép con đọc sách mà tốt nhất là khơi gợi để con có niềm đam mê với sách. Ảnh: THANH TUYỀN
Nhận định văn học góp phần hình thành nên tính cách, tình cảm của con trẻ, nhà thơ - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai cho rằng hầu hết người làm cha làm mẹ ai cũng muốn con mình đọc sách, đọc văn để con phát triển tốt. Tuy nhiên, việc các bậc phụ huynh bắt ép con cái đọc sách theo ý muốn của mình, ép con phải đọc sách mà không khơi gợi được sự thích thú của con trong từng trang sách là vấn đề mà bố mẹ cần lưu tâm.
“Rõ ràng là không ít ông bố, bà mẹ gặp phải khó khăn khi lôi kéo con mình vào việc đọc sách, làm sao để con mình đọc sách được nhiều hơn mà quên mất rằng việc đọc sách ở con trẻ phải xuất phát từ sự thích thú và đam mê thì mới lâu dài được”, nhà thơ nói.
Nhà thơ - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai giao lưu với mọi người bằng những câu chuyện thực tế về tuổi thơ. Ảnh: THANH TUYỀN
Theo nhà thơ - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai, cần bắt đầu cho con đọc sách bằng việc kể cho con nghe những câu chuyện vào mỗi tối trước khi đi ngủ. Đó có thể là câu chuyện về tuổi thơ của chính bố, mẹ để con thấy gần gũi hơn. “Hoặc có thể đọc sách cho con trước khi đi ngủ, dùng tay chỉ vào từng chữ khi đến chữ đó để kết hợp cho con biết mặt chữ và nắm ý nghĩa câu chuyện”, chị nói thêm.
Hơn nữa, chị cũng khuyến khích bố mẹ nên gợi trí tưởng tượng cho con bằng cách để con vui chơi, hoạt động ngoài trời nhiều hơn để gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ và các động vật nuôi trong nhà.
Rất đông ông bà, cha mẹ đưa con cháu mình đến tham gia buổi nói chuyện. Ảnh: THANH TUYỀN
Nhà văn Nguyễn Trí cũng góp nhặt câu chuyện thực tế rằng nhiều đứa trẻ không sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ có đam mê đọc sách, hoặc bận quá nên quên mất việc dạy con đọc sách như thế nào, định hướng cho con ra sao, lâu dần đứa trẻ không có khái niệm đọc sách là gì.
“Ngày nay, nhiều bố mẹ cứ mua cho con mình cái máy tính bảng rồi quăng cho con mặc sức chơi cả ngày mà họ không biết rằng chính đó mới là nguy hại với con mình vì không đọc sách thì tâm hồn con sẽ chết mất. Bố mẹ phải là người gần gũi với con cái mình trong chuyện này”, nhà văn Nguyễn Trí chia sẻ.
Từ trái qua, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ; nhà văn Nguyễn Trí; nhà văn Phan Hồn Nhiên cùng nhà thơ - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai đặt vấn đề về thói quen đọc sách của trẻ. Ảnh: THANH TUYỀN
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ kể về một trường hợp của cậu bé đã ba năm liền mê đọc sách nhưng rồi sau đó dần bỏ bê việc đọc sách vì được bố mẹ mua cho cái máy tính bảng. Sau này, bé không còn niềm đam mê đọc sách nữa dù ba mẹ cố hướng bé quay trở lại nhưng rất khó khăn.
“Để dạy một đứa trẻ đọc sách là đã khó, khó hơn nữa là làm sao để các con giữ thói quen đó lâu dài. Để làm được điều này, bố mẹ phải cố gắng tìm cách vun bồi cho con để trẻ không đánh mất đi thói quen tốt đó”, chị Thúy nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, nhà văn Phan Hồn Nhiên góp ý kiến rằng bố mẹ cần tìm cách để con tự nhận ra giá trị của từng cuốn sách mà con đọc, do chính tay con chọn lựa. “Bố mẹ sẽ là người hướng dẫn cho con chọn từng đầu sách nhưng hãy để cho con mình tự đọc và có cảm nhận riêng của bé. Đó cũng là cách tập cho con cách tạo ra tài sản riêng của mình, đó là sách”, nhà văn nói.
Nhà thơ - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: THANH TUYỀN
Nhà thơ - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ thêm cách dạy con đọc sách mà chị đã từng thực hiện. Đó là thành lập một CLB sách nhỏ của con và bạn bè chơi thân của con. “Mình có thể nói chuyện với phụ huynh của các bé và trao đổi để lập một CLB sách như vậy. Một tháng sẽ đọc một cuốn sách và sẽ có buổi nói chuyện về cuốn sách đó, bên cạnh đó là kết hợp nấu ăn, tổ chức các trò chơi để cả nhóm có thể sinh hoạt, vui chơi cùng nhau sau giờ đọc sách. Đó cũng là cách để các bé tìm được sự hứng thú của mình với sách, có người cùng chia sẻ, cùng nói chuyện về một vấn đề nào đó thì sẽ dễ hơn”, chị nói.
Bên cạnh đó, nhà thơ - dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai cũng khuyến khích bố mẹ nên là người làm gương cho con cái bằng những hành động cụ thể như đọc sách trước mặt con, nói chuyện với con về những cuốn sách và kể cho con nghe về những đầu sách hay để kích thích sự tò mò, hứng thú ở con.