Buổi trao tặng 70 tác phẩm Matsuo Basho, bậc đại sư thơ Haiku của Ueda Makoto (NXB Hồng Đức, 2016) từ dịch giả Nguyễn Nam Trân (GS-TS Đào Hữu Dũng, Nhật Bản) diễn ra vào ngày 10-8 tại nhà sách Ango (Ango Bookstore, 53 C9 đường 11 (khu Miếu Nổi), phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM).
PGS-TS Đoàn Lê Giang và nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (phải) tại buổi trao tặng sách. Ảnh N.TÝ
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: “Cuốn Matsuo Basho, bậc đại sư thơ Haiku của nhà phê bình Ueda Makoto do Nguyễn Nam Trân biên dịch và chú thích là một công trình thuộc hàng tinh hoa, vừa mang tính hàn lâm vừa mang tính phổ biến, giới thiệu chân dung thi hào Nhật Bản và trình bày thi pháp thơ Haiku của ông, những gì đã làm nên ảnh hưởng sâu rộng của Basho ở Nhật cũng như trên thế giới.
Cuốn sách còn cho thấy thiên tài Basho không chỉ đưa thơ Haiku lên đỉnh cao và thẳm sâu mà còn đẩy văn xuôi vào một không gian mới, tinh tế và phiêu lãng.
Uyên bác và trong sáng, Ueda Makoto giúp người đọc bước vào thế giới Haiku một cách nhẹ nhàng nhưng đầy khám phá. Và nhẹ nhàng Haiku sẽ thấm vào tư tưởng người đọc.
GS Nguyễn Nam Trân, người có đóng góp lớn cho nghiên cứu và dịch thuật văn học Nhật Bản ở Việt Nam, đã làm nhiều hơn là biên dịch vì khơi gợi nhiều đối chiếu, liên tưởng giữa thơ ca Nhật-Việt”.
PGS-TS Đoàn Lê Giang cho rằng: "Với dịch giả Nguyễn Nam Trân, ông có thể tự viết về Basho nhưng ông đã khiêm tốn biên dịch và chú thích bởi gần nửa cuộc đời ông sinh sống, giảng dạy tại Nhật Bản, với vốn ngoại ngữ Anh, Nhật, Pháp dịch giả Nguyễn Nam Trân là một trong những người hiểu rõ tác giả Basho.
Đây là tác phẩm công phu và có thể nói là đầy đủ nhất về Basho. Trước dịch giả Nguyễn Nam Trân đã có GS Vĩnh Sính (1944-2014), nhà Nhật Bản học tiên phong và là người ngưỡng mộ Basho, rồi nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã viết nhưng Matsuo Basho, bậc đại sư thơ Haiku mới là tác phẩm đầy đặn nhất về Basho".
Dịch giả Nguyễn Nam Trân tâm sự về sự ra đời tác phẩm: "Cuối năm 2013, bị tập kích bởi một cơn bạo bệnh, người viết phải nhập viện gần nửa năm. Trên giường nhà thương chỉ có quyển sách nhỏ của GS Ueda Makoto làm bạn.
Đọc đi đọc lại giữa ba bữa cơm và hai lần hóa trị, bỗng nẩy ý định dịch nó ra Việt ngữ để giúp những bạn bè thanh khí và người yêu mến Basho gắn bó thêm một chút với ông".
Ueda Makoto (1931-) giáo sư, nhà phê bình văn học, dịch giả hàng đầu về thơ haiku và là người có đóng góp lớn lao trong việc phổ biến văn học Nhật Bản ra cộng đồng thế giới. Ông tốt nghiệp Viện đại học Kobe (1954), Cao học tại Viện đại học Nebraska-Lincold (1956) và hoàn thành học vị tiến sĩ (Ph.D.) tại Viện đọa học Washington (1961) chuyên ngành Văn học so sánh. Ông từng là giám tuyển danh dự của American Haiku Archives tại Thư viện tiểu bang California ở Sacramento, California năm 2004-2005. |
Nguyễn Nam Trân (Đào Hữu Dũng), dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản. Tiến sĩ khoa học truyền thông (ĐH Paris II). Giáo sư thực thụ tại Viện ĐH Quốc tế Josai (Josai International University), Tokyo-Chiba, Japan. Cố vấn kiêm Vụ trưởng hành chánh Hội Giao lưu văn hóa Nhật-Việt (JVCA, Japan-Vietnam Cultural Exchange Association), Tokyo. Tác giả của nhiều công trình biên khảo, dịch thuật về văn học và văn hóa Nhật Bản. Giải "Dịch thuật Phan Chu Trinh", 2016. |
Một số hình ảnh tại buổi trao tặng sách:
"Cũng như Goethe là Đức, Tagore là Ấn Độ, Hafiz là Ba Tư... Basho là Nhật Bản" - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đánh giá cao tác giả Basho.
Nhà thơ Lý Đợi (trái) giới thiệu về tác phẩm. Chủ nhà sách Ango cũng nói rằng sẽ giảm giá 40 % cho sinh viên
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu thay mặt CLB thơ Haiku TP.HCM tiếp nhận 20 tác phẩm Matsuo Basho, bậc đại sư thơ Haiku.
PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM thay mặt khoa tiếp nhận 50 tác phẩm Matsuo Basho, bậc đại sư thơ Haiku.