Liên tiếp trong thời gian qua xảy ra những vụ học sinh (HS) ẩu đả chỉ vì liên quan đến những mâu thuẫn trên mạng xã hội (MXH). Điều đáng nói, những hình ảnh bạo lực còn được người trong cuộc ghi lại và chia sẻ trên Facebook.
Hay mới đây, câu chuyện một nam sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhóm nhạc BTS Hàn Quốc trên Facebook khiến bản thân, gia đình và nhà trường bị cộng đồng hâm mộ tấn công.
Trang bị kỹ năng cho học trò
Nguyễn Gia Nghi (HS Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM) cho biết trong lớp em bạn nào cũng sử dụng Facebook, Zalo để giải trí. “Nhưng trước đó chúng em được cô giáo chủ nhiệm cũng như nhà trường hướng dẫn cách sử dụng MXH. Em luôn biết cách chọn lọc những thông tin từ mạng. Em không cho mình cái quyền tự phán xét một ai đó trên Facebook. Nếu đã lỡ phán xét thì bản thân phải biết điểm dừng và xin lỗi người khác” - Gia Nghi nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Minh Bình (Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho hay trường vừa kịp ngăn chặn, giảng hòa một số trường hợp có lời nói qua lại trên MXH. Theo ông, MXH hiện nay như đời sống xã hội thứ hai của HS. “Nó là thế giới ảo nhưng những ảnh hưởng nó gây ra là thực tế. Chúng ta không thể cấm HS sử dụng MXH nhưng phải trang bị cho các em kỹ năng sử dụng một cách thông minh, có văn hóa” - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, trường mời các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này đến trò chuyện với HS về trách nhiệm, tôn trọng người khác khi sử dụng MXH. HS phải tỉnh táo trước khi “like” hay “share” bất cứ thông tin nào. “Đặc biệt, nhà trường có một bộ phận trợ lý thanh niên âm thầm kết bạn và chuyên môn giám sát việc HS sử dụng MXH. Cho nên khi có sự cố xảy ra sẽ kịp thời can thiệp” - ông Bình chia sẻ thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thành (Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann (Tenlơman), quận 1, TP.HCM) chia sẻ: Nhận thấy MXH mang tính chất hai mặt cho nên nhà trường đã liên tục tổ chức các chuyên đề thường xuyên để định hướng các em cách sử dụng MXH sao cho hiệu quả. Trường cũng trao đổi với phụ huynh rằng hãy dành thời gian giám sát con em trong việc sử dụng MXH.
Bên cạnh đó, trong các giờ sinh hoạt chủ nhiệm, vấn đề này luôn được thầy cô đề cập với hy vọng mưa dầm thấm lâu. Giáo viên sẽ dạy HS những hiện tượng cần tránh trên MXH, cách “like”, chia sẻ đúng cách, tránh xúc phạm người khác trên mạng.
Hiệu trưởng Trường Ten lơman cũng thừa nhận để ngăn chặn những mâu thuẫn của HS phát sinh trên MXH thì việc giáo dục đạo đức cho các em vẫn là gốc rễ của mọi vấn đề. Bên cạnh đó, trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị thu hút các em tham gia để tăng sự đoàn kết. Những hoạt động tích cực sẽ lôi cuốn các em, giúp tránh xa thế giới ảo, từ đó hạn chế được những vấn đề tiêu cực phát sinh.
Học sinh đặt câu hỏi cho ban tổ chức tại buổi nói chuyện “Tư duy thời đại số” diễn ra ở Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Sở GD&ĐT “vào cuộc”
Nhận thấy MXH có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với HS, mới đây Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với một đơn vị thông tin truyền thông tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về “Tư duy thời đại số” tại một số trường học.
Buổi nói chuyện được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng cần thiết như tư duy phản biện, sự thấu cảm, tôn trọng trong giao tiếp… cho HS để tham gia môi trường mạng một cách tích cực. Bên cạnh đó, chương trình cũng cung cấp tài nguyên giảng dạy và tập huấn cho giảng viên, giáo viên các trường THPT, THCS và HS để xây dựng một cộng đồng dân số có trách nhiệm.
Ngoài Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), chương trình nói chuyện chuyên đề “Tư duy thời đại số” do Sở GD&ĐT tổ chức còn được thực hiện đối với HS lớp 7, 8, 9 tại các trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), THPT Marie Curie (quận 3), THPT Trần Hữu Trang (quận 5). |
Chương trình đã được thực hiện tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) vào đầu tháng 11.
Tại buổi nói chuyện, các chuyên gia đã giúp HS phân biệt các bài viết trên MXH. Đó là bài viết thông tin sự thật (còn gọi là tin tức), bài viết thông tin sai lệch (quảng cáo sai sự thực, tin tức giả, bài báo hoặc hình ảnh đã qua chỉnh sửa…) và bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết. Từ đó nhắc nhở HS không vội vàng “like” hay “share” những vấn đề nếu chưa xác định đúng hay sai. Khi đã xác định rõ nguồn gốc của thông tin, HS cần học cách chia sẻ thông tin đúng để ngăn chặn sự lan truyền những thông tin vịt.
Các chuyên gia tham gia chương trình cũng hướng dẫn HS truy cập, tìm kiếm thông tin, giao tiếp an toàn qua mạng, sự khác biệt giữa giao tiếp trong cuộc sống đời thực hằng ngày so với giao tiếp trực tiếp… Ngoài ra, HS cần phải được trang bị tư duy tích cực, tư duy phản biện để có thể bảo vệ bản thân trước những tác động của MXH.
Tham gia buổi nói chuyện, nhiều HS đã nhận thức được mặt lợi và hại của MXH, từ đó có kỹ năng ứng xử và xử lý tình huống thích hợp.
Trở thành bạn của học trò trong thế giới ảo Sử dụng MXH là nhu cầu rất lớn của HS trong thời gian gần đây. Vì thế, để hiểu và nắm bắt được tâm lý của HS, tôi lập Facebook và kết bạn với học trò. Qua đó tôi chia sẻ những hoạt động của lớp, những câu chuyện đẹp mang tính giáo dục. Tôi còn tạo diễn đàn, lấy ý kiến các em trước khi tổ chức các sự kiện. Vì thế tôi nhận được sự tin tưởng của học trò, từ đó các em có thể dễ dàng chia sẻ mọi việc. Giáo viên một trường THCS tại quận 11, TP.HCM |