Dạy học tích hợp kiểu nếu trò hỏi câu hóc búa thì phải 'hoãn binh'

(PLO)- “Tôi nghĩ làm thầy thì luôn muốn có 10 mới dạy 1, chứ có 2 mà dạy 1 nhiều khi không yên tâm lắm. Chúng tôi hay nói đùa với nhau là khi dạy chỉ mong rằng “học sinh đừng hỏi câu hỏi nào quá hóc búa"- thầy Thanh chia sẻ. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, tại các buổi giám sát của Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM với UBND quận 6, Tân Phú và Gò Vấp, nhiều ý kiến nêu bất cập về việc giảng dạy các môn học tích hợp ở khối THCS theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Được biết, chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 hiện đang triển khai cho các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10. Đáng chú ý trong đó, một số môn học ở bậc THCS trước đây được tích hợp với tên gọi mới, như Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và địa lý. Thế nhưng, dù đã bước sang năm thứ hai triển khai nhưng việc giảng dạy ở các cơ sở giáo dục vẫn còn những lấn cấn.

Tại quận Gò Vấp, Bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp cho biết đa số giáo viên được đào tạo đơn môn nên khi được phân công giảng dạy hai tổ hợp môn tích hợp còn gặp lúng túng dù đã được tập huấn.

Bà Thu kiến nghị cần có thêm những buổi tập huấn trực tiếp trên toàn TP cho cán bộ quản lý cũng như giáo viên môn tổ hợp để giúp giáo viên dạy theo đúng logic kiến thức trong chương trình của mỗi môn học.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, ông Trịnh Vĩnh Thanh cũng thẳng thắn rằng vấn đề dạy tích hợp còn nhiều băn khoăn. Theo ông Thanh, khi Bộ GD&ĐT viết chương trình tích hợp, Bộ chỉ nghĩ đơn giản giáo viên sử thì dạy sử, giáo viên địa thì dạy địa… Nhưng thực tế, dạy học ở trường lại không rõ ràng như vậy.

Như môn Khoa học tự nhiên, theo ông Thanh, bài nào nặng về Vật lý thì giáo viên Vật lý dạy, bài nào nặng Hóa học thì giáo viên đó sẽ dạy chính. Với môn Lịch sử và địa lý, những trường tách được hai nội dung thì giáo viên sử dạy sử, địa dạy địa. Trường nào thiếu giáo viên thì đành sử qua dạy địa. Tuy nhiên, giáo viên địa dạy sử thì không khó khăn lắm, vì trong bài môn địa cũng có nội dung bản đồ chính trị nhưng giáo viên sử mà qua dạy địa là rất khó khăn vì địa gắn với tự nhiên, biểu bản đồ rất nhiều, phân tích, đặc điểm khí hậu…

Ông Trịnh Vĩnh Thanh thẳng thắn chia sẻ tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH

Ông Trịnh Vĩnh Thanh thẳng thắn chia sẻ tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH

Còn chương trình lý - hóa - sinh, theo ông Thanh, không tách được vì tỉ lệ môn sinh học ở lớp 6 rất nặng, đến 60% trong chương trình tích hợp nên nếu để giáo viên sinh dạy thì không đủ giáo viên. Do đó, Phòng phải thực hiện phương án đào tạo bổ sung, chẳng hạn giáo viên lý thì đào tạo thêm hóa và sinh. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định, kiến thức được các trường đại học cung cấp khi đi đào tạo chỉ là cơ bản, còn thực tế là không phải dễ thực hiện" - ông Thanh thẳng thắn.

Ông Thanh tiếp: “Tôi nghĩ làm thầy thì luôn muốn có 10 mới dạy 1, chứ có 2 mà dạy 1 nhiều khi không yên tâm lắm. Chúng tôi hay nói đùa với nhau là khi dạy chỉ mong rằng “học sinh đừng hỏi câu hỏi nào quá hóc búa”. Còn nếu các em có hỏi thì đành chấp nhận “hoãn binh” để vô hỏi lại đồng nghiệp rồi mới giải thích cho học sinh chứ không thể trả lời cho qua, vì giáo viên khi nói sai thì nói lại rất khó”.

Từ thực tế đó, ông Thanh kiến nghị nếu tiếp tục thực hiện như vậy, nhiệm vụ các trường đại học phải đào tạo sinh viên theo kiểu mới này. Sinh viên phải dạy được cả ba môn thì ra trường mới đáp ứng được thực tế, đừng chỉ đào tạo đơn môn sẽ khiến ra làm phải đào tạo lại rất khó khăn.

Còn tại Trường THCS Đặng Trần Côn ở quận Tân Phú, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng, bày tỏ chương trình giáo dục mới khá nặng cho học sinh, nhất là THCS. Bởi ở tiểu học các em học chỉ có 9 môn nhưng lên THCS có 12 môn nhưng thực chất có nội dung của đến 16 môn học. Hơn nữa, có những môn nội dung “dẫm chân lên nhau”. Chẳng hạn môn trải nghiệm và giáo dục địa phương có nội dung trùng lắp, có thể gộp lại một môn.

“Về lâu dài cần giảm tải thì giảm làm sao để từ tiểu học lên THCS các em phải được vừa học vừa chơi vừa trải nghiệm kiến thức chứ không phải như suốt ngày chỉ có học” – ông Hùng bày tỏ.

Tiếp tục tập huấn, tìm phương pháp dạy phù hợp hơn

Ông Trần Ngọc Huy, Phó trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, thừa nhận hầu hết giáo viên đều được đào tạo đơn môn nên khi giảng dạy tích hợp theo chương trình mới còn gặp khó khăn. Do đó, Sở đã phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên nhưng áp dụng giảng dạy thực tế còn khó khăn. Do đó, Sở cùng với các cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện tập huấn nhiều đợt, trao đổi để có những phương pháp giảng dạy phù hợp hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm