Mỡ bụng, béo phì, tăng cân... là những nỗi ám ảnh của dân văn phòng.
Dân văn phòng béo bụng do đâu?
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì đặc biệt là béo bụng cho nhân viên văn phòng chủ yếu là do ngồi tĩnh tại nhiều, ít hoạt động, cùng với đó là thói quen ngồi lâu trên ghế với tư thế gập bụng. Chưa kể, dân văn phòng thường có các buổi ăn xế với thực phẩm nhiều đường và giàu chất béo.
Những thói quen này đã trở thành tác nhân gây ám ảnh về mỡ và cân nặng cho giới văn phòng, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Hiện nay nhân viên văn phòng luôn cố gắng áp dụng nhiều các phương pháp giảm cân nhằm lấy lại vóc dáng cân đối và khỏe mạnh. Cũng chính từ nhu cầu này, nhiều loại thuốc giảm cân cấp tốc, kem tan mỡ cấp tốc hay các bài thuốc giảm mỡ bụng không rõ nguồn gốc, chất lượng… được kinh doanh hoặc chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.
Trước thực trạng này, Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng TP.HCM lưu ý, người dân cần sớm thay đổi suy nghĩ giảm cân nhanh trong thời gian ngắn. Giảm cân là một quá trình, việc giảm cân nhanh, vội vã chỉ làm cho cơ thể rối loạn nặng nề hơn.
Nguyên tắc giảm cân, giảm mỡ bụng cho dân văn phòng
Theo ThS- BS Đặng Ngọc Hùng, nguyên tắc giảm cân là hướng đến lối sống cân bằng lành mạnh, cũng như là chuyển đổi tỉ trọng cơ thể bằng cách giảm khối lượng mỡ và tăng khối lượng cơ.
"Có những trường hợp cân nặng không giảm nhưng có sự chuyển biến lớn về mỡ giảm đi và cơ tăng lên thì đó vẫn là sự thành công"- BS Hùng bày tỏ quan điểm.
Viết trên website của Viện dinh dưỡng quốc gia, Thạc sĩ Vương Thị Ngọc Hồ, Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về điều trị béo phì cho thấy can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.
Cũng theo hướng dẫn này để đảm bảo sức khỏe tốt trong quá trình giảm cân thì chúng ta chỉ nên giảm 5-15% cân nặng trong khoảng thời gian 6 tháng.
Đối với dân văn phòng lao động nhẹ, nhu cầu năng lượng của nam giới là 30kcal/kg cân nặng; nữ giới là 25kcal/kg cân nặng.
Tuy nhiên để tính năng lượng xây dựng thực đơn dành cho người béo muốn giảm cân chúng ta có thể tính theo cân nặng lý tưởng như sau:
Năng lượng ăn vào cho người béo = Cân nặng lý tưởng × (20-25 calo).
Đơn cử: nam giới cao 1,7 m lao động nhẹ bị thừa cân, béo phì thì năng lượng chế độ ăn giảm cân = 63.6 x (20 - 25 calo) = 1.271 - 1.590 Kcal/ngày
Ngoài áp dụng chế độ ăn đúng cách thì nhân viên văn phòng cần hoạt động thể lực phù hợp. Mỗi ngày trung bình 30 - 40 phút (khoảng 150 phút/tuần), hoặc vận động nhiều lần trong ngày, mỗi lần tối thiểu 10 phút. Nên vận động tối thiểu 5 ngày/tuần, tốt nhất nên tập đều đặn mỗi ngày.
Thạc sĩ Vương Thị Ngọc Hồ chia sẻ thêm rằng, để duy trì được những thành quả sau 1 thời gian cố gắng giảm cân, nhân viên văn phòng cần lưu ý duy trì các thói quen sau:
Kiên trì tập luyện khoảng 5 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Tại văn phòng, cố gắng tận dụng mọi cơ hội tăng hoạt động thể lực.
Để tránh tích tụ mỡ bụng, chúng ta cần giữ tư thế ngồi thẳng lưng, nếu được nên tạo thói quen ngồi hóp bụng.
Bên cạnh đó, nhân viên văn phòng cần tập thói quen chuẩn bị bữa trưa dinh dưỡng cho bản thân giúp kiểm soát được năng lượng. Ăn uống đầy đủ các bữa. Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ và đồ ngọt, hạn chế ăn vặt tại nơi làm việc và sau giờ làm việc. Với thức uống, chúng ta cũng nên uống nước lọc, trà thay vì các loại nước ngọt, chè, sinh tố, cà phê, trà sữa… Cố gắng uống đủ nước sẽ giúp cơ thể giảm cảm giác thèm ăn.
Cần có một kế hoạch giảm cân cụ thể. Tăng mục tiêu, cấp độ từ từ giúp cơ thể thích nghi dần dần, điều này giúp duy trì được sức khoẻ tốt và thành quả giảm cân trước đó đã cố gắng. Cùng với đó, phải theo dõi cân nặng hàng ngày hoặc hàng tuần để có thể kiểm soát và điều chỉnh cân nặng về cân nặng lý tưởng.
Nịt bụng bằng đai có giúp giảm mỡ bụng?
Đai nịt bụng không những không làm mất mỡ thừa mà còn gây ra những tác động xấu đến cơ thể.
Theo cơ chế hô hấp bình thường của con người, lồng ngực cần có biên độ chuyển động để phổi, xương sườn có thể làm việc nhịp nhàng, nhưng khi đeo đai nịt bụng sẽ tạo áp lực làm hạn chế quá trình hô hấp dễ gây khó thở, tức ngực.
Nguy hiểm hơn, đai nịt bụng có thể tạo một áp lực lớn lên thành bụng từ đó gây chèn ép lên các cơ quan nội tạng như: Ruột, gan, làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, thậm chí có những trường hợp gây phình, vỡ mạch máu.
Chưa kể, một số người còn đeo đai nịt bụng cả khi đi ngủ với mong muốn đẩy nhanh quá trình giảm eo, nhưng hành động này có thể làm cho quá trình đào thải chất cặn bã bị tắc nghẽn, gây kích ứng, đỏ da, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển.
Thạc sĩ Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng TP.HCM.