Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành giao thông

(PLO)- Trong kết luận, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo các dự án đúng tiến độ đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-8, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong một lần chạy thử nghiệm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong một lần chạy thử nghiệm.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Tiến độ bàn giao mặt bằng, vật liệu chưa đáp ứng

Thông báo nêu sau ba lần bổ sung danh mục dự án, đến nay có 25 dự án với 75 dự án thành phần thuộc nhiệm vụ của BCĐ. Khối lượng công việc cần chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai, thực hiện là rất lớn, đòi hỏi mỗi thành viên phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các cuộc họp của BCĐ. Nếu vắng mặt liên tiếp hai lần trở lên không có lý do chính đáng sẽ bị đưa ra khỏi BCĐ, đồng thời bị xem xét trách nhiệm theo quy định của Đảng và chính quyền.

Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu trong quá trình triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT... nhưng cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa mới đạt được tiến độ đề ra.

Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP.HCM nỗ lực để đưa vào khai thác tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2023 và tuyến Bến Thành - Suối Tiên vào đầu năm 2024.

Một số địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để thi công chưa đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Do vậy, cần phải huy động cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bí thư tỉnh ủy, thành ủy (trưởng BCĐ về công tác giải phóng mặt bằng) để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với nguyên tắc nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng nơi ở cũ.

Về vật liệu xây dựng thông thường, một số dự án chưa đáp ứng cho yêu cầu tiến độ thi công. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành rà soát các vấn đề liên quan đến việc cấp mỏ vật liệu. Công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư tại một số dự án còn chậm.

Chủ trương bố trí vốn cho các dự án đã được thống nhất, tuy nhiên việc triển khai còn vướng mắc hoặc nhiều địa phương còn thiếu chủ động, trông chờ, ỷ lại trung ương. Một số nhà thầu chưa huy động đầy đủ nhân sự, máy móc, nguồn lực tài chính, chưa thực hiện tốt công tác nội nghiệp ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân.

Sáu tỉnh nâng công suất
các mỏ cát

Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, cơ quan tham mưu, trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 11-2-2022. Trong đó, UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã được cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác.

Một số nhiệm vụ trọng tâm

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, với nhóm dự án đang thực hiện chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Bình Phước chủ động cùng Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án được giao, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án, trong đó bao gồm các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Các dự án thành phần thuộc đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội qua địa phận hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh, hai tỉnh này cần nỗ lực để khởi công các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh trong tháng 9-2023.

Đối với nhóm dự án đang thực hiện đầu tư, phải hoàn thành, đưa vào khai thác vào năm 2023 (ba dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2 và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ), Bộ GTVT chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ tổ chức thi công để kịp đưa vào khai thác, sử dụng đúng tiến độ.

Các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm theo tiến độ Chính phủ giao (cơ bản hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31-12-2023). Các địa phương chỉ đạo nhà thầu triển khai ngay các thủ tục liên quan đến khai thác các mỏ vật liệu xây dựng; tổ chức làm việc với các địa phương có mỏ vật liệu xây dựng để thống nhất vị trí, trữ lượng, triển khai các thủ tục cấp mỏ cho nhà thầu thi công.

Với dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND hai TP này chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, nỗ lực hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2023 và tuyến Bến Thành - Suối Tiên vào đầu năm 2024.•

Tổ chức “ba ca, bốn kíp” để bảo đảm tiến độ

Theo thông báo, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai, kiên quyết thực hiện nguyên tắc giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh.

Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực tổ chức thi công “ba ca, bốn kíp” để bảo đảm tiến độ thi công đã cam kết và đáp ứng kế hoạch giải ngân; chú trọng quản lý chất lượng, mỹ thuật, an toàn lao động; kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, vi phạm tiến độ hợp đồng theo đúng các quy định.

Các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng để có thể đưa vào khai thác ngay, đồng thời khảo sát, đưa thêm các mỏ đáp ứng trữ lượng, chất lượng và thuận lợi về thủ tục đất đai vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án để hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 theo đúng kế hoạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm