Ngày 3-1, UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan đánh giá lại hiệu quả dự án Trung tâm Thủy sản TP.HCM, xem xét việc đầu tư theo hình thức xã hội hóa và báo cáo kết quả trong quý I.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi đầu tư dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, đối với phần đất 221 ha. Hướng dẫn Công ty TNHH MTV cầu phà Dosavina hoàn thành các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư phà Cần Giờ - Cần Giuộc, đưa công trình vào khai thác trong quý II.
Đồng thời, hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án như: Xây dựng Nhà máy May - Sợi, Trung tâm Huấn luyện kỹ năng và hoạt động dã ngoại thanh thiếu niên TP.HCM. Xây dựng mở rộng nghĩa trang nhân dân xã Long Hòa, nhà máy gạch không nung An Nghĩa, khu neo đậu trạm bán lẻ xăng dầu...
Phối cảnh dự án Khu du lịch Cần Giờ do Vingroup và đối tác thực hiện
Sở TN&MT cần yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu dân cư nhà vườn tại xã Long Hòa và dự án đầu tư xây dựng Trung tâm chăm sóc người cao tuổi tại xã An Thới Đông. Khảo sát thực địa, tìm hiểu các điều kiện cần thiết để đầu tư dự án xây dựng lò đốt rác sinh hoạt.
Đối với các dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ đề xuất quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
UBND TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương thực hiện dự án Xây dựng cầu Bình Khánh và dự án Nâng cấp cải tạo tuyến đường Rừng Sác theo hình thức đối tác công tư.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 thì TP.HCM sẽ phát triển hai hướng chính là hướng đông và hướng nam ra biển. Do đó, Cần Giờ là một trong những địa điểm được TP.HCM ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho lấn biển làm dự án Khu du lịch Cần Giờ do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ hợp tác với Tập đoàn Vingroup thực hiện việc quy hoạch.
Theo đó, Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ xin khai thác thêm 480 ha để tạo liên kết lấn biển có quy mô khai thác lên 1.380 ha, chia ra nhiều giai đoạn thực hiện với dự kiến thành lập khu du lịch hiện đại, có cảng trung chuyển đón tàu du lịch biển trong tương lai, du lịch trực thăng…
UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương lấn biển làm khu du lịch và giao Sở Quy hoạch Kiến trúc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch kiến trúc. Giao Sở Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án Khu du lịch Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2004 với quy mô Khu đô thị du lịch 221 ha và Khu du lịch lấn biển 600 ha. Năm 2007, Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ đã khởi động dự án với tổng kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 8.470 tỉ đồng.