ĐBQH đề nghị sớm tăng lương cho cán bộ, công chức, người lao động

(PLO)- Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo tăng lương cho khu vực nhà nước và tăng lương tối thiểu vùng khu vực tư để người lao động bám trụ với các địa phương.

Sáng 24-10, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận ở tổ về các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách, rà soát văn bản quy phạm… của Chính phủ.

Nghị định về bảo vệ cán bộ chưa thể chế được Kết luận 14

Về báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo quy định tại Nghị quyết 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết công tác rà soát VBQPPL là hoạt động thường xuyên trong xây dựng thể chế, nhưng đây là lần đầu tiên thực hiện việc rà soát mang tính tổng thể như vậy.

Dù chỉ trong thời gian rất ngắn, sau kỳ họp thứ 5, đến trước kỳ họp này nhưng các Bộ, ngành, địa phương đã rà soát khối lượng VBQPPL khổng lồ, các nội dung rà soát đều rất chi tiết và cụ thể.

Đánh giá kết quả rà soát rất có ý nghĩa và giá trị trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và từng lĩnh vực cụ thể, tuy nhiên bà Hạnh cho rằng kết quả này vẫn “chưa được như mong đợi”.

Phần đánh giá nguyên nhân, báo cáo có nêu kết quả rà soát, VBQPPL mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều, chỉ khoảng 6,5%, chủ yếu là VBQPPL có vướng mắc, bất cập.

Nguyen-thi-hong-hanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay. Ảnh: HOÀNG YẾN

Theo bà Hạnh, vướng mắc, bất cập về thể chế cũng là nguyên nhân có tác động nhất định đến tình trạng cán bộ còn đùn đẩy trách nhiệm vì e ngại.

“Chúng ta trông đợi nhiều vào việc triển khai Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, với chủ trương là “khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề “chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn”... – bà Hạnh nói.

Tuy nhiên, khi thể chế hoá Kết luận 14 nêu trên, Điều 4 Nghị định 73/2023 của Chính phủ vẫn quy định nguyên tắc là khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định “theo quy định của pháp luật”…

“Rõ ràng, ở đây còn có vướng mắc, bất cập khi thể chế hoá chủ trương của Đảng”, bà Hạnh nhận định.

Cũng liên quan đến VBQPPL, thảo luận về báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, theo phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, hiện nay các địa phương thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị, không có tổ chức HĐND quận, phường và UBND phường không có thẩm quyền ban hành VBQPPL, nên đang có khoảng trống trong việc bãi bỏ văn bản quy phạm của HĐND quận, phường; UBND phường ban hành trước thí điểm.

Bởi lẽ, theo Luật Ban hành VPQPPL thì VBQPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng VBQPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Đồng thời, HĐND bãi bỏ VBQPPL của UBND cùng cấp, VBQPPL của HĐND cấp dưới.

Do đó, bà Hạnh đề nghị cân nhắc, có thể đưa vào Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù nội dung bổ sung thẩm quyền bãi bỏ NQ của HĐND quận, phường, QĐ của UBND phường (ban hành giai đoạn trước khi thực hiện theo mô hình tổ chức CQĐT) mà qua kết quả rà soát, xác định phải bãi bỏ.

Cần sớm tăng lương

Từ các báo cáo của Chính phủ, trên cơ sở ý kiến của cử tri tại TP.HCM, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) cho biết bà hoàn toàn đồng ý với báo cáo của Chủ phủ trong vấn đề quyết liệt trong việc xem xét tăng lương theo Nghị quyết của Trung ương và đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định.

"Tuy nhiên, tôi đề nghị phải sớm hơn"- đại biểu Thuý nói.

Theo bà Thuý, chỉ số CPI mà Chính phủ đánh giá với đời sống của người lao động không tương đồng, dẫn đến lương của người lao động không đủ sống.

Lương của cán bộ, công chức TP.HCM do có cơ chế đặc thù, cán bộ công chức có thu nhập tăng thêm nên "có thể cầm cự được", thế nhưng những tỉnh thành khác (không có cơ chế đặc thù - PV), khu vực khác thì khó đảm chi trả.

Do đó đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo tăng lương cho khu vực nhà nước và tăng lương tối thiểu vùng khu vực tư. Từ đó mới giúp được cho người lao động có niềm tin bám trụ lại với các địa phương có nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất như TP.HCM.

Ngoài ra, liên quan đến việc rút BHXH 1 lần. Báo cáo của Chính phủ thể hiện nhiều khu vực có hiện tượng tăng rút BHXH 1 lần và mục tiêu là phải hạn chế điều này.

Tuy nhiên, bà Thuý cho biết, theo đánh giá của công đoàn TP.HCM, việc hạn chế rút BHXH 1 lần khó thực hiện vì khi trình Luật BHXH thì cho rút BHXH 1 lần nhưng thời gian đóng để được hưởng lương hưu thì ngắn lại.

Bà Thuý cho rằng quy định như dự thảo, người lao động sẽ có sự tính toán để rút bhxh rồi quay lại đóng bhxh để hưởng lương hưu.

Do đó, bà Thuý đánh giá, vấn đề không phải là hạn chế rút BHXH 1 lần mà phải tính toán khi sửa luật cần tăng thêm chế độ với những người không rút mà để lại tới khi nghỉ hưu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm