Theo đó, trong ba năm qua tổng kinh phí đã huy động cho xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh trên địa bàn ĐBSCL là trên 121.000 tỉ đồng. Trong đó các địa phương ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi nhằm tạo động lực trong phát triển sản xuất.
Về hiệu quả, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản, trái cây, với hàng loạt mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả, là hình mẫu cho cả nước. Có thể kể đến mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp, mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang... mang lại thu nhập 80-120 triệu đồng/ha.
Phát biểu tại hội nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ, cố vấn chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nói: Xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào chăm lo, cải thiện đời sống cho người dân. “Phải lấy việc tăng thu nhập với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân làm mục đích cơ bản của nông thôn mới” - ông Ngọ nói và cho rằng việc khơi dậy nguồn lực trong dân là một điểm sáng của vùng ĐBSCL.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đề xuất Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ quy hoạch rõ các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung trọng điểm gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời, tham mưu đề xuất với Chính phủ thành lập Ban điều phối khu vực với các sản phẩm chủ lực để chủ động điều hành thích ứng với thị trường, hạn chế rủi ro do thiên tai và biến động giá cả. Từ đây mới nâng cao giá trị cho nông sản của khu vực và đảm bảo thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân.
Theo Bộ NN&PTNT, khu vực ĐBSCL hiện có 1.269 xã thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (chiếm 14% tổng số xã của cả nước).
GIA TUỆ