Hôm nay 2-1, ngày làm việc đầu tiên của năm 2025 và cũng là ngày làm việc đầu tiên của các phường mới sau sáp nhập tại TP.HCM.
Những vị khách đầu tiên của năm 2025
Có mặt trụ sở UBND phường 4 (quận Phú Nhuận) vào khoảng 7 giờ sáng 2-1-2025, PLO ghi nhận cán bộ phường đang tất bật di chuyển hồ sơ, giấy tờ. Một cán bộ cho biết đang dọn dẹp trụ sở để chuẩn bị bước vào ngày làm việc đầu tiên của năm 2025.
Đến gần 8 giờ, UBND phường 4 đón vị khách đầu tiên của năm. Bà Nguyễn Thị Lựu (ngụ phường 4, quận Phú Nhuận) cho hay hôm nay đến để nhờ cán bộ phường cập nhật thông tin BHYT.
Bà Lựu bảo trước đó đã nghe phường thông tin sáp nhập hai phường 3 và 4. “Địa phương đã thông tin rất sớm và hướng dẫn khi nào cần đến phường cập nhật giấy tờ nên tôi cũng yên tâm. Đến đây thấy các cán bộ vẫn là người cũ, niềm nở tiếp đón, tôi rất vui”- bà Lựu chia sẻ.
Bà Trần Thị Ngọc Loan (ngụ phường 3 cũ, nay là phường 4) được con gái chở đến làm hồ sơ. Bà Loan chia sẻ trước khi đến đây bà đã ghé trụ sở UBND phường 3 cũ ở đường Phan Đăng Lưu và được cán bộ ở đó hướng dẫn đến trụ sở UBND phường 4.
“Tôi thấy trên zalo của phường thông báo việc sáp nhập từ trước. Nhà tôi ở phường 3 nên cũng lo việc thay đổi giấy tờ, sắp tới tôi sẽ tranh thủ đến phường để cập nhật thông tin”- bà Loan nói.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường 4 (quận Phú Nhuận) thông tin đợt này, phường 3 sẽ nhập vào phường 4 và lấy tên mới là phường 4. Theo bà Hà, đây là bước tiến quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân.
Bà Hà khẳng định việc sáp nhập không làm ảnh hưởng đến công việc của các cán bộ, công chức, viên chức của phường cũng như việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Tại trụ sở UBND phường 14, quận Gò Vấp, từ sáng sớm không khí làm việc đã rộn ràng. Các cán bộ công chức, viên chức đã có mặt đầy đủ để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14 (quận Gò Vấp), cho biết từ ngày 1-1, một phần diện tích phường 13 đã nhập vào phường 14 và phường mới sau sáp nhập có diện tích hơn 64.000 dân.
Với số lượng dân số và diện tích đều tăng so với phường cũ, UBND phường 14 cũng được tăng cường số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách với tổng số 34 người.
Ông Dũng thông tin, để chuẩn bị cho việc sáp nhập phường 14, hai phường đã tuyên truyền để người dân nắm được công tác sáp nhập và những thông tin liên quan đến việc thay đổi thông tin trên giấy tờ nhằm giúp người dân bớt lo lắng.
“Phường mới sau sáp nhập, các giấy tờ có thông tin phường cũ vẫn được thừa nhận và tiếp tục giải quyết bình thường cho đến khi thực hiện cấp đổi theo quy định. Hiện người dân không cần thiết phải đến cơ quan chức năng để thay đổi thông tin”- ông Dũng nói.
Cán bộ sẵn sàng hỗ trợ dân
Chị Trần Xuân Ánh, công chức Văn phòng thống kê của phường 1 (quận Bình Thạnh), cho biết đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng làm việc tại đơn vị mới.
Trước đó, chị Ánh là công chức phường 3 cũ, chị kể trong quá trình chuyển đổi đơn vị làm việc bản thân chị đã được lãnh đạo và đồng nghiệp hỗ trợ rất nhiều, từ vận chuyển hồ sơ, máy móc đến bố trí chỗ làm việc mới.
“Năm mới, công việc mới, chỗ làm mới, mọi thứ có khác đi nhưng trách nhiệm và tinh thần làm việc vẫn vậy. Tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao”- chị Ánh mở lời.
Ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch UBND phường 1 (quận Bình Thạnh) nhấn mạnh, phường mới hình thành từ phường 3 và phường 1 đã chuẩn bị sẵn sàng đón người dân đến làm thủ tục từ hôm nay.
“Hôm nay là ngày đầu tiên phường mới sau sáp nhập hoạt động nhưng công việc vẫn bình thường, không có bất kỳ ảnh hưởng nào lớn” - ông Khoa trao đổi.
Ông Khoa cho biết khi thực hiện sắp xếp hai phường, một cán bộ đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ, còn lại không có trường hợp nào bị tinh giản biên chế. Hiện tại, tất cả cán bộ, công chức vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hoạt động tại phường diễn ra suôn sẻ, không bị gián đoạn.
Chủ tịch UBND phường 1 (quận Bình Thạnh) nhìn nhận việc sáp nhập chắc chắn sẽ có tác động đến người dân, đặc biệt là liên quan đến việc thay đổi các giấy tờ hành chính. Tuy nhiên, lãnh đạo cam kết hỗ trợ tối đa cho người dân.
“Những khó khăn mà người dân có thể gặp phải đã được cán bộ công chức nắm bắt và sẵn sàng hướng dẫn. Việc sáp nhập phường không chỉ là nhiệm vụ hành chính mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, hướng đến xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu quả” - ông Khoa nhấn mạnh.
Không thu các loại phí khi chuyển đổi giấy tờ cho người dân
Theo Nghị quyết 1278/2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025), TP.HCM thực hiện sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận gồm gồm quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận. Sau sắp xếp, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện và 273 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn).
UBND TP.HCM yêu cầu từ ngày 1-1-2025 các địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ; thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ do thay đổi địa giới đơn vị hành chính đối với người dân, doanh nghiệp và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi.
Ngoài ra, địa phương tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, hoàn thành cơ bản phương án bố trí đội ngũ cán bộ theo lộ trình.