Hôm nay (1-1-2025), Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) TP.HCM giai đoạn 2023-2025 chính thức có hiệu lực. Với nghị quyết này, 80 phường thuộc 10 quận đã thực hiện sáp nhập, hình thành 41 phường mới, giảm 39 phường.
Theo ghi nhận của PV, đến ngày 31-12, toàn bộ 10 quận đã thực hiện công bố Nghị quyết 1278 và trao quyết định, ra mắt lãnh đạo phường mới thành lập. Đồng thời, công bố 283 khu phố đổi tên sau khi sắp xếp ĐVHC.
Cán bộ công chức sẵn sàng 'vào việc'
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo các phường mới hình thành sau sắp xếp cho biết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… đã sẵn sàng để phục vụ người dân từ sau ngày 1-1-2025 (do ngày 1-1 nghỉ Tết dương lịch).
Bà Liêu Thị Liên, Bí thư phường 7 (quận 11) cho biết bản thân bà rất xúc động khi được quận tiếp tục tin tưởng, giao nhiệm vụ mới (bà Liên trước đó là Bí thư phường 7 cũ).
“Phường 7 sẽ ra sức phấn đấu, đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy và đi vào hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, năng động hiệu quả và có trách nhiệm cao, đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn” - bà Liên nói.
Ông Đổng Văn Huy, Chủ tịch UBND phường 7 (quận 11), cho biết phường đã tuyên truyền cho người dân qua nhiều kênh khác nhau về việc sáp nhập và thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi thủ tục giấy tờ…
“Với từng trường hợp cụ thể khi người dân liên hệ sẽ được cán bộ phường hướng dẫn thực hiện” – ông Huy nói và nhấn mạnh phường sẽ tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện hồ sơ trực tuyến sau khi sắp xếp.
Ông Phan Văn Thuận, Bí thư phường 15 (quận Phú Nhuận), cho biết phường đã phân loại từng mảng công việc rõ ràng, chi tiết, đảm bảo quá trình chuyển giao được thuận lợi nhất.
“Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ, công chức đều sẵn sàng bắt tay ngay vào nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động của phường mới không bị gián đoạn” – ông Thuận nhấn mạnh.
Theo ông Thuận, trong quá trình sắp xếp, cán bộ không tránh khỏi tâm tư nhưng nhờ công tác tư tưởng và động viên kịp thời, mọi người đã nhanh chóng ổn định, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ. “Điều đó tạo nên sự vững vàng để chúng tôi bước vào giai đoạn mới với tinh thần quyết tâm cao nhất” – Bí thư phường 15 nhấn mạnh.
Bí thư phường 15, quận Phú Nhuận, cũng chia sẻ niềm tự hào nhưng cũng thấy trách nhiệm lớn lao khi ông phải quản lý địa bàn rộng hơn, khối lượng công việc nặng nề hơn. Tuy nhiên, ông Phan Văn Thuận tin rằng phường sẽ nhanh chóng ổn định, đưa mọi hoạt động vào guồng và đạt hiệu quả cao nhất.
“Điều tôi mong mỏi nhất là nhận được sự ủng hộ, đồng tình từ người dân, bởi đây chính là động lực quan trọng nhất để chúng tôi phục vụ ngày càng tốt hơn” – ông Thuận bày tỏ.
Bà Ngô Thị Hiền, Bí thư phường 9 (quận 3) cam kết sẽ nỗ lực hết mình để lãnh đạo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của địa phương. “Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể, đặc biệt là vai trò nêu gương của người đứng đầu, qua đó nhanh chóng xây dựng bộ máy hành chính mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả” – bà Hiền nói.
Bố trí cán bộ công khai, minh bạch
Bí thư quận 5 Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng cho biết địa phương này đã kiện toàn tổ chức bộ máy của bốn phường sau sắp xếp; bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan và điểm sinh hoạt của khu phố. Đặc biệt là xây dựng kế hoạch giải quyết thủ tục hành chính cho người dân bị ảnh hưởng do thay đổi đơn vị hành chính, đổi tên khu phố.
Quận 5 cũng yêu cầu các phường mới phải khẩn trương bố trí, phân công đội ngũ cán bộ và sắp xếp trụ sở cơ quan, đơn vị, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để cán bộ bắt tay ngay vào công việc sau sắp xếp ĐVHC. Tập trung giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại các phường sau khi sắp xếp với mục tiêu không gây phiền hà cho người dân, không để người dân đi lại nhiều lần.
Theo bà Hồng, một trong những khâu quan trọng của việc sắp xếp ĐVHC là bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường.
Để hạn chế xáo trộn tổ chức bộ máy và giảm tải việc giải quyết cán bộ dôi dư sau sắp xếp, từ trước đó, quận 5 có chủ trương không tiếp nhận công chức mới, không bổ nhiệm mới cán bộ, công chức của phường. Lãnh đạo quận cũng đề ra các nguyên tắc sắp xếp đối với cán bộ để đảm bảo bộ máy các phường mới hình thành không quá cồng kềnh và có lộ trình giảm dần từ năm 2025 đến năm 2029.
“Việc bố trí cán bộ được thực hiện trên tinh thần công khai, minh bạch. Chọn lựa cũng phù hợp với tiêu chuẩn của từng nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc sau khi sắp xếp phường” – bà Hồng nói.
Chủ tịch UBND quận 8 Võ Thành Khả nhấn mạnh địa phương sẽ khẩn trương xử lý các nội dung còn tồn đọng, vướng mắc để chuẩn bị cho quá trình bàn giao về đơn vị mới. Mục tiêu là không để gián đoạn công việc, khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội và người dân.
“Không để xảy ra tình trạng ách tắc trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho đơn vị, người dân trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp giao dịch ở các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp; chuyển đổi các loại giấy tờ cho nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo thẩm quyền” – ông Khả nói.
Còn Bí thư quận Phú Nhuận Phan Thị Thanh Phương khẳng định quận sẽ đặt lên hàng đầu nhiệm vụ ưu tiên phục vụ các hoạt động hành chính, dân sự của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, nhất là thủ tục phát sinh do điều chỉnh địa giới hành chính. Song song đó là chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền năm 2025.
Chuyển đổi giấy tờ khi có nhu cầu
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm, cho biết từ ngày 27 đến 30-12-2024, tất cả 10 quận đã hoàn thành việc công bố Nghị quyết 1278, chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ nhân sự tại các phường mới.
“Bộ máy mới đã sẵn sàng hoạt động từ ngày 1-1-2025” – bà Thắm nói và cho biết các địa phương đã công bố địa chỉ phường mới đến rộng rãi người dân.
Bà Thắm khẳng định hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân vẫn được thực hiện bình thường, người dân có thể yên tâm. Trường hợp có nhu cầu chuyển đổi giấy tờ, các phường sẽ hỗ trợ người dân và hoàn toàn không thu phí.
"Người dân nên thực hiện chuyển đổi khi có nhu cầu, tránh làm ồ ạt" - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP nói và cho hay việc điều chỉnh dữ liệu dân cư sẽ được Công an TP.HCM điều chỉnh đồng loạt trên hệ thống.
Về khó khăn hiện nay, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết qua nắm tình hình tại các địa phương, công tác giải quyết cán bộ dôi dư tại phường được thực hiện gắn với tinh giản biên chế theo chủ trương của Trung ương và TP. Do đó, với việc giảm số lượng biên chế tại các phòng, ban thuộc quận sẽ phần nào gây khó trong luân chuyển, điều động công chức phường về các đơn vị thuộc quận.
Bà Thắm cho biết lộ trình sắp xếp cán bộ dôi dư sau sắp xếp 80 phường được thực hiện trong vòng năm năm. Riêng các trụ sở dôi dư không có nhiều, cơ bản được sử dụng lại.
Theo UBND TP.HCM, việc thực hiện sắp xếp ĐVHC được thực hiện trong hai giai đoạn. Trong đó, đến hết ngày 31-12-2024, Ban Thường vụ các quận tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của các phường trực thuộc theo tên của ĐVHC mới.
Chỉ định Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư các phường và chủ trương nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường mới.
Ngay sau đó, UBND các quận thực hiện quy trình bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường mới đảm bảo hoàn thành trước ngày 1-1-2025 để quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ thời điểm này.
Cũng trong thời gian này, 10 quận chỉ đạo các phường thuộc diện sắp xếp ĐVHC thống kê, rà soát tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư đang triển khai thực hiện dở dang… để chuẩn bị công tác bàn giao cho ĐVHC hình thành sau sắp xếp. Thực hiện thay đổi bảng tên, biển hiệu của cơ quan, đơn vị theo tên mới tại Nghị quyết 1278 và thông báo rộng rãi.
Các địa phương cũng phối hợp với Công an TP và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chủ động thay đổi con dấu theo quy định trước ngày hôm nay (1-1-2025). Con dấu cũ được phép sử dụng để giải quyết các công việc còn dở dang nhưng chậm nhất đến hết ngày 31-1-2025 phải thu hồi.
UBND TP.HCM cho biết giai đoạn hai, từ ngày 1-1 đến 30-6-2025, các quận tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện hướng dẫn của các sở, ban, ngành và các địa phương khi chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân và tổ chức do thay đổi địa giới ĐVHC và không thu các loại phí, lệ phí khi chuyển đổi.
“Tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp lại các ĐVHC. Hoàn thành cơ bản phương án bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách theo lộ trình, tiến tới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031” – UBND TP chỉ đạo rõ.
Ông TRƯƠNG VĨNH SỬU, Bí thư Chi bộ khu phố 11, phường 9, quận 3:
Cán bộ phải nắm rõ địa bàn rộng, dân đông
Tôi thấy đội ngũ cán bộ mới của phường 9, quận 3, sau khi sáp nhập rất trẻ, năng động và đầy nhiệt huyết, luôn sẵn sàng làm việc vì sự phát triển của phường.
Tôi thấy phường cũng đã thông báo rõ ràng về kế hoạch hoạt động sau sáp nhập. Từ ngày 1-1-2025, phường hoạt động bình thường, tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính như trước, người dân không phải lo lắng về sự gián đoạn.
Tôi tin rằng với sự cố gắng của chính quyền và sự đồng thuận của bà con, phường mới sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, dân cư đông hơn, cán bộ cần phải nắm rõ tình hình để làm việc hiệu quả hơn, nhất là trong giai đoạn đầu.
Tôi cũng mong phường sẽ nhanh chóng cải thiện cơ sở vật chất tại các trụ sở để người dân làm thủ tục hành chính được thuận tiện hơn.
*****
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Bí thư chi bộ khu phố 2, phường 11, quận 5:
Lắng nghe ý kiến người dân
Việc sắp xếp lại các phường sẽ tạo cơ hội mới cho quận 5 phát triển về cả hạ tầng, kinh tế, văn hoá; giúp người dân được hưởng dịch vụ công chất lượng cao hơn, giao thông ngày càng thuận tiện hơn.
Song việc sáp nhập sẽ gây xáo trộn nhiều đến đời sống người dân như thay đổi địa giới hành chính, thay đổi giấy tờ… và cán bộ, công chức cũng phải làm việc nhiều hơn.
Tôi mong thời gian tới lãnh đạo quận 5 và các phường tiếp tục lắng nghe ý kiến của cộng đồng dân cư, hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi thủ tục hành chính.
*****
Ông GIÁP VĂN HUÂN, Bí thư Chi bộ khu phố 27, phường Rạch Ông, quận 8:
Tên phường mới là lịch sử, ký ức
Người dân trên địa bàn phường Rạch Ông, quận 8, rất đồng thuận, vui mừng khi phường được đổi tên. Tên phường Rạch Ông không chỉ là một cái tên mà còn là lịch sử, là ký ức của bà con nơi đây, làm nhiều người nhớ lại những kỷ niệm gắn bó với mảnh đất này.
Điều tôi mong nhất là bộ máy mới sẽ chọn được những người có tài, có đức, làm việc hết lòng vì dân. Mong những cán bộ trẻ, năng động sẽ luôn lăn xả, sát sao cùng bà con.