Ngày 20-4, tại Cồn Ấu, TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Tầm nhìn Du lịch ĐBSCL hiện đại, bền vững thích ứng biến đổi khí hậu” để xác định tầm nhìn cho sự phát triển bền vững ngành du lịch của khu vực do UBND TP Cần Thơ, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Tư vấn Boston (The Boston Consulting Group – BCG) và Ngân hàng Quân đội (MB Bank) đã tổ chức.
ĐBSCL chưa phải là điểm đến hàng đầu của khách du lịch
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm đầu tư phát triển du lịch, nhiều địa phương đã xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch gắn với biến đổi khí hậu. Tuy du lịch vùng ĐBSCL có bước phát triển khá ấn tượng đạt được kết quả quan trọng, song việc đầu tư, khai thác chưa được kết nối một cách tổng thể dưới góc độ của vùng, còn thiếu chiến lược về thị trường khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày…; tốc độ phát triển du lịch của vùng ĐBSCL còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo.
“Thành phố đang mời gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, khu vui chơi giải trí phức hợp chất lượng quốc tế, đảm bảo thích ứng với sự biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Nhân đây Cần Thơ kêu gọi các tỉnh vùng ĐBSCL tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để đề án triển khai hiệu quả và thiết thực. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục xây dựng và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính kết nối vùng. Tôi tin tưởng rằng hội thảo hôm nay sẽ thảo luận, đề xuất những giải pháp mang tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy du lịch ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra”- ông Tâm nhận định.
Các chuyên gia đánh giá ĐBSCL có nhiều tài sản du lịch quý giá, cả về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, v.v... và có thể được phát triển phù hợp với các xu thế lớn trên thế giới, có thể kể đến như việc trở lại với thiên nhiên, thích khám phá đa dạng văn hóa và sinh thái, chú ý cải thiện sức khỏe, ưa thích sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch. Tuy nhiên chúng ta chưa phát huy giá trị tiềm năng của mình do đó ĐBSCL chưa phải là điểm đến hàng đầu.
Trưởng khối Phát triển Kinh tế Toàn cầu của BCG - ông Christopher Malone cho biết qua khảo sát các khách du lịch trong nước và quốc tế đều chọn những điểm khác tại Việt Nam thay vì ĐBSCL, thay vào đó họ đi đến chủ yếu là Vịnh Hạ Long, hay vào TP.HCM còn ĐBSCL chỉ là một điểm đến trong hành trình di lịch của họ.
Phải xây dựng vị thế riêng
Để ĐBSCL trở thành điểm đến hàng đầu thì theo ông Christopher Malone, chúng ta cần xây dựng vị thế riêng của mình. Như ở Hạ Long, hay Nha Trang, SaPa họ có đặc điểm du lịch và tạo dựng cho mình một vị thế riêng. Nếu Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung xây dựng cho mình nét du lịch đặc trưng riêng thì sẽ xây dựng được vị thế của mình, thu hút khách du lịch.
Theo đó ông Christopher Malone đã đưa ra ba chủ đề chiến lược để xây dựng với các đề xuất du lịch xoay quanh đó, gồm: "Nghỉ dưỡng trên sông", "Safari ĐBSCL" và "Khám phá sinh thái – nông nghiệp"; và biện pháp để cải thiện số lượt khách đến và chi tiêu du lịch trong khu vực.
Dự án Novaland đầu tiên tại Cồn Ấu, TP Cần Thơ
ĐBSCL cần rút ra chiến lược du lịch của mình, cần đề xuất giá trị rõ ràng cho các phân khúc mục tiêu tạo ra hình ảnh xuất hiện đầu tiên trong tâm trí du khách nên đến thăm ĐBSCL với tư cách là điểm đến chủ đạo, chứ không phải chỉ là một phần trong hành trình khám phá Việt Nam, Đông Nam Á. Tận dụng lợi thế tự nhiên để khai thác xu hướng chính như các trải nghiệm văn hóa chân thực, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe.
Cải tạo kết nối đường hàng không và đường bộ là một vấn đề mà ĐBSCL cần phải tập trung chú trọng. Các chuyên gia nhấn mạnh đây là trở ngại chính kìm hãm sự tăng trưởng đặc biệt là nếu muốn trở thành điểm đến chính cho các thị trường trong khu vực. Dẫn chứng, Cần Thơ có sân bay quốc tế, bến du lịch thế nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của mình. Như bến Vịnh Hạ Long hằng ngày đón khoảng 22.000 khách du lịch thế nhưng bến Ninh Kiều chỉ có khoảng 1.000-2.000 khách.
Đồng thời, ĐBSCL cần phát triển một hệ thống lưu trú, các sản phẩm du lịch kết nối, và các ý tưởng sản phẩm du lịch độc đáo, đột phá và khác biệt được đề cập trong buổi hội thảo để trong thời gian tới ĐBSCL khẳng định vị thế đáng có trên bản đồ du lịch thế giới, và trở thành điểm đến của khu vực, châu Á và thế giới.
Bên cạnh đó ông Christopher Malone đưa ra cảnh báo rằng cần phải có một khuôn khổ cho sự bền vững của môi trường trong chiến lược: “Tính bền vững không thể là giải pháp chữa cháy. Tài sản lớn nhất của khu vực là cảnh quan độc đáo và đa dạng sinh học; sự tăng trưởng của số lượt khách đến và sự phát triển cơ sở hạ tầng cần phải được quản lý để đảm bảo giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên và những gì được ban tặng của khu vực.” Minh chứng gần đây nhất là chính phủ Philippines quyết định đóng cửa đảo Boracay trong 6 tháng do ô nhiễm và điều kiện nước xấu đi.
Các diễn giả Jonatan Gomez (cố vấn cấp cao của BCG), John Lindquist (chuyên gia du lịch toàn cầu và cố vấn cấp cao của BCG) và ông Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia về sự bền vững của ĐBSCL) cũng cho rằng ĐBSCL cần củng cố mạnh mẽ quan điểm này và đưa ra những thông lệ tốt nhất để làm thế nào phát triển tối đa trong khi vẫn bảo vệ được môi trường. Các chuyên gia cũng giới thiệu một số mô hình phù hợp của các dự án tương thích đã thành công trên thế giới như: Hệ thống du lịch kênh đào ở Hà Lan, hệ thống du lịch đồng bằng sông Mississpi của Mỹ với điểm đến nổi bật là TP New Orleans, tuyến du lịch đồng bằng sông Nile ở Ai Cập, chợ nổi Thái Lan và nhiều ví dụ khác… có thể áp dụng hiệu quả cho ĐBSCL.