ĐBSCL sẽ là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động

Ngày 26-11, Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại TP Cần Thơ.

Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu là bí thư, phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong toàn vùng ĐBSCL cùng các chuyên gia, nhà khoa hoạc đầu ngành về các lĩnh vực trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo tham vấn của Bộ này về Quy hoạch vùng ĐBSCL ngày 26-11. Ảnh: CHÂU ANH

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo phương pháp tích hợp, là quy hoạch vùng đầu tiên và cũng là quy hoạch đầu tiên triển khai theo Luật Quy hoạch.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến để làm rõ hơn, khả thi hơn các nội dung của dự thảo quy hoạch, tập trung vào các quan điểm mang tính cốt lõi của quy hoạch vùng ĐBSCL.

Cụ thể, một là  phát triển bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến, muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng.

Hai là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội. Ba là, phải thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn, phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển của vùng.

Bốn là, tăng cường liên kết nội vùng, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM, Camphuchia, kinh tế biển, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung.

Năm là, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng, và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp.

Quang cảnh hội thảo tham vấn của Bộ KH&ĐT ngày 26-11. Ảnh: CHÂU ANH

Theo Bộ trưởng, “chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới”.

Đồng thời, ông Dũng đề nghị quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, tập trung thảo luận ba nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề quy hoạch vùng ĐBSCL gồm:

Nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng ĐBSCL trong giai đoạn tiếp theo.

Định vị vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM và trong bối cảnh quốc tế, cụ thể là khu vực Asean và tiểu vùng sông Mekong.

Sự phù hợp của các định hướng, giải pháp về phát triển ngành lĩnh vực có thế mạnh của vùng (không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước); việc xử lý các xung đột mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm