Đề án giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt

(PLO)- Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay dự kiến đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỉ USD. Đây là kết quả đầy ấn tượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ NN&PTNT đang gấp rút hoàn thiện Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao ở vùng ĐBSCL để trình Chính phủ. Đề án được kỳ vọng giúp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về đề án này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, thừa nhận: “Chúng ta còn rất nhiều hạn chế trong sản xuất lúa gạo”.

Ông Nguyễn Như Cường

Ông Nguyễn Như Cường

Còn rất nhiều hạn chế

. Phóng viên:Đó có phải là trăn trở, là lý do mà Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Như Cường: Ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam thời gian qua đã có những thành tựu to lớn, từ một nước phải nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu gạo thứ ba thế giới với tỉ trọng trên dưới 3 tỉ USD mỗi năm. Nhưng điều đó không có nghĩa ngành lúa gạo của ta đã tốt. Chúng ta còn rất nhiều hạn chế trong sản xuất lúa gạo.

Trong số các hạn chế đó có liên quan đến quyền lợi giữa các chủ thể, thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo chưa hài hòa. Ví dụ, hiện người nông dân là người sản xuất, tạo ra hạt gạo nhưng thu nhập từ hạt gạo của người nông dân còn thấp nhất trong toàn chuỗi. Đây là sự phát triển không bền vững.

11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt gần 6,7 triệu tấn, mang về hơn 3,2 tỉ USD, tăng 23% về giá trị và sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ NN&PTNT dự báo năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỉ USD. Đây là kết quả đầy ấn tượng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Bên cạnh đó, sản xuất lúa gạo của ta chủ yếu ở quy mô hộ nông dân với diện tích nhỏ lẻ. Như ở phía Bắc, mỗi hộ nông dân trồng lúa chỉ có diện tích trung bình khoảng 0,3-0,4 ha; ở ĐBSCL cũng chỉ trên dưới 1 ha.

Chưa kể việc liên kết theo chiều dọc, giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp như Lộc Trời, Trung An… là có sự liên kết với nông dân, tạo dựng vùng sản xuất. Còn lại đa số doanh nghiệp làm ăn theo kiểu có đơn đặt hàng thì thu mua lúa gạo của nông dân thông qua thương lái.

. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo nhưng vẫn chủ yếu là xuất thô, chưa xây dựng được thương hiệu gạo mạnh trên thị trường quốc tế. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Sản xuất lúa gạo của ta hiện nay đơn thuần chỉ là xuất khẩu gạo. Các sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghệ cao từ gạo, từ các phụ phẩm của lúa gạo vẫn chưa có nhiều, trong khi nhu cầu của thế giới về các sản phẩm chế biến ngày càng cao.

Chúng ta phải xác định việc sản xuất lúa gạo không những đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân trong nước, cho xuất khẩu mà phải gắn thêm yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP 26. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo được tính bền vững trong sản xuất và hài hòa được quyền lợi giữa các khâu trong sản xuất.

Tạo hệ sinh thái lúa gạo thống nhất, chặt chẽ, hài hòa

. Để giải quyết được các bất cập, hạn chế của ngành hàng lúa gạo như ông vừa nêu thì đề án sẽ tập trung vào những nội dung gì?

+ Đề án về vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở ĐBSCL mà Bộ NN&PTNT đang xây dựng phải đảm bảo các yếu tố là sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Đồng thời, vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng: Nông dân được cung cấp đầu vào bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.

Các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hơn, được số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và được tích hợp các công nghệ thông minh, kiểm soát dịch bệnh, tưới nước tự động…

Đề án được kỳ vọng giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ảnh: GT
Đề án được kỳ vọng giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ảnh: GT

. Mục tiêu đề án rất tốt nhưng làm sao để nông dân, doanh nghiệphào hứng tham gia đề án?

+ Để người dân canh tác theo quy trình canh tác bền vững thì phải có vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã. Khi doanh nghiệp phối hợp với hợp tác xã, người nông dân trong liên kết sản xuất theo quy trình như vậy thì họ sẽ phải thực hiện canh tác có trách nhiệm hơn.

Chúng ta phải định hướng cho người dân khi thực hiện quy trình đó thì họ được lợi gì? Đó là giảm chi phí đầu vào, được bảo đảm thu mua lượng lúa gạo họ sản xuất ra. Nếu làm tốt thì có thể được giam gia thị trường carbon và bán tín chỉ carbon, giúp người dân có thêm thu nhập. Ngoài ra, họ được hỗ trợ các chính sách về khuyến nông, các chính sách của địa phương.

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, chúng ta cũng cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để làm sao thu hút được các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi. Bởi doanh nghiệp, hợp tác xã đóng vai trò là động lực thúc đẩy việc thực hiện đề án đạt được mục tiêu mong muốn.

. Nếu đề án được triển khai thực hiện thành công sẽ có ý nghĩa thế nào đối với ngành hàng lúa gạo của ta, thưa ông?

+ Nếu đề án thực hiện thành công sẽ có ý nghĩa rất lớn với ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Quan trọng nhất, đề án thành công sẽ tạo ra mức thu nhập tốt hơn cho người dân. Trước đây người dân không có quyền gì trong định giá sản phẩm mình làm ra. Qua đề án này cố gắng làm sao để người dân có quyền lợi hơn, bình đẳng hơn trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, người dân có thu nhập tốt hơn.

Hơn nữa, việc khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa gạo cũng được khai thác hiệu quả. Sau khi đề án triển khai thực hiện thành công ở ĐBSCL sẽ nhân rộng mô hình ra cả nước.

. Xin cám ơn ông.

Dự kiến trình Chính phủ vào quý II-2023

Theo Bộ NN&PTNT, dự thảo đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sản lượng lúa chất lượng cao của vùng ĐBSCL đạt khoảng 6,2 triệu tấn. Lợi nhuận bình quân người trồng lúa đạt trên 35%. Giảm lượng lúa giống còn 80 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 30% lượng nước tưới.

Tỉ lệ diện tích ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương được công nhận đạt 80%, tỉ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%.

Tỉ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đạt 50%, giảm 10% phát thải khí nhà kính. Lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam đạt 760.000 tấn, trong đó có 20% sản lượng gạo trong đề án.

Dự kiến vào khoảng quý II-2023, đề án sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm