Trước thực trạng nhiều bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật đã tự hỏi vì sao mình lại phải chịu nằm bất động trên băng ca để được đẩy vào phòng mổ trong khi tự bản thân vẫn còn đi lại được, từ năm 2011, một số bệnh viện tại Paris, Marseille và Lyon (Pháp) đã nghiên cứu triển khai một giải pháp mang tính tiên phong có tên là “Bệnh nhân không nằm” (Patient debout). Kết quả đạt được rất khả quan.
BS Hervé Rosay - Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức của một bệnh viện tại Lyon cho biết: “Ban đầu chúng tôi thí điểm đề án này nhằm tạo niềm tin cho bệnh nhân trong giai đoạn chuẩn bị phẫu thuật. Họ có thể ung dung chờ phẫu thuật trong bộ quần áo mà họ thích mặc, họ có thể đeo kính, đội tóc giả hay mang máy trợ thính tùy thích”. Sau đó bệnh nhân sẽ được phát một bộ quần áo sử dụng một lần và mang giày vải mềm, được săn sóc viên dẫn vào tiền sảnh như thể họ đang đi khám bệnh vậy. Họ có thể đọc sách, báo, nghe nhạc và đợi gọi tên đến làm thủ tục. Nhân viên phòng mổ thì rảnh tay hơn để chuẩn bị và nhất là thời gian để thực hiện một ca phẫu thuật sẽ được rút ngắn đi rất nhiều, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.
Rất nhiều bệnh nhân ủng hộ cách làm này, 98% cho biết họ hoàn toàn hài lòng bởi họ bớt căng thẳng, bớt lo sợ hơn trước khi mổ khi còn thấy mình vẫn luôn khỏe khoắn và năng động, nhất là họ cảm thấy mình được đối xử xứng đáng và được tôn trọng.
Tuy nhiên, ở Paris cách thức này cũng đã gặp phải không ít chống đối, nhất là từ các săn sóc viên khi họ đành phải chịu mất đi ít nhiều “uy quyền” trước mặt bệnh nhân, song như BS Olivier Untereiner giải thích: “Chúng ta phẫu thuật một con người có cảm xúc chứ không phải chỉ phẫu thuật một lá gan hay một đoạn ruột bị bệnh của con người”. Nói tóm lại, đây là một phương pháp của tương lai.
TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Figaro)