Gần đây, nhiều người dân phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM bức xúc chuyện hàng xóm nuôi chó để phóng uế bừa bãi gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Tình hàng xóm cũng mất dần từ đó.
Khổ khi có hàng xóm nuôi chó
Một số người dân ở đường Lý Thánh Tông, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM than trời vì trong khu vực có một hộ nuôi 4 con chó mà ngày nào chủ của chúng của dắt ra ngoài đường tiểu tiện nhiều lần.
Những người trong xóm nhắc nhở thì chủ nhà lấy nước dội rửa thế làm nước lẫn nước tiểu chó chảy sang nhà bên cạnh. Tuy nhiên, dù hàng xóm nhắc nhở nhiều lần nhưng chủ nhà vẫn cứ mang chó ra đường cho tiểu tiện.
Quá bức xúc hàng xóm lên tiếng tiếp thì chủ nhà thách thức rằng chẳng ai làm gì được họ. Vào những ngày trời nóng mùi nước tiểu, phân chó bốc mùi rất khó chịu.
Chủ hộ ở đường Lý Thánh Tông, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM dẫn chó ra đường. ẢNH: NGUYỄN HIỀN
Tương tự, ông H. ở đường số 1, phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM bức xúc: “Trước hẻm nhà tôi có hộ nuôi khoảng năm con chó nhưng cứ thả rông cho phóng uế ra ngoài đường. Cứ mỗi lần tôi chạy xe ra vào bị dính phân chó bực mình hết sức. Thỉnh thoảng tôi chạy xe không để ý bánh xe dính phân rồi dắt xe vào nhà luôn làm cả nhà toàn mùi hôi thối không chịu nổi”.
Nếu chó gây ra tai nạn, người chủ sẽ bị tù
Đối với những hành vi thả rông chó ra đường phóng uế, pháp luật có chế tài như thế nào?
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: “Tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định số 167/2013 (quy định về các vi phạm quy định về trật tự công cộng) nếu hành vi để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Ngoài ra, tại Điều 34 Luật Giao thông đường bộ quy định người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
Nếu chủ sở hữu thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật đi trên đường không thực hiện đúng quy định nêu trên mà không may gây tai nạn cho người tham gia giao thông dẫn đến chết người thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người.
Tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự, người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Nếu bị thả rong chó gây tai nạn chết người thì người chủ có thể bị phạt tù. Ảnh: Internet
Tại Điều 603 Luật Dân sự cũng quy định chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại…