Qua khảo sát sơ bộ trên nhiều tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt... hình ảnh những chú chó không rọ mõm, không xích chạy ngang nhiên ngoài đường rất nhiều.
Người dân có thói quen dắt chó đi dạo vào buổi sáng là chuyện thường ngày. Trước xe bánh mì trên đường Phạm Văn Đồng dưới chân người bán bánh mì là ba chú chó quẩn quanh tìm thức ăn rơi vãi.
Sau khi hỏi người chủ quán cho biết đây không phải chó nhà mình: “Mấy con chó đây là của ông mua bánh mì, sáng ông đi tập thể dục quanh đây rồi bọn nó đi theo giờ không chịu về” - cô Nguyên cho biết.
Chó được thả rông tìm kiếm thức ăn tại xe bánh mì trên đường Phạm Văn Đồng. (Ảnh chụp sáng 16-3) Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Dọc đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cũng có rất nhiều tiệm sửa xe máy, gara ô tô thả chó chạy quanh tiệm mà không có bảo hộ nào ngăn chặn chó tấn công người.
Chó chạy rong ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh chụp trưa 15-3 Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh khu vực Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh), chó vẫn được người dân thả rông khắp đường, nằm la liệt trên vỉa hè, hẻm nhà không xác định được là chó nhà ai. Người dân ở đây cho biết: “Chó ở đây chạy ngoài đường cả ngày, chủ không xích lại nhìn nguy hiểm lắm. Không biết nó có bị bệnh dại gì không, lỡ may cắn vào mấy đứa nhỏ lại tội nghiệp”.
Theo luật sự Trần Cao Ly Tao - Đoàn Luật sư TP.HCM, Điều 625 Bộ luật Dân sự: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp thả rông súc vật theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Có những trường hợp hi hữu, người bị chó cắn không thể xác định được chủ của chó là ai hoặc bị người quản lý chó từ chối, không nhận trách nhiệm với người bị chó cắn sẽ rất khó bị truy cứu trách nhiệm.
"Đây cũng được xem là một trong những thiếu sót trong luật pháp của nước ta hiện nay. Trước những những thiếu sót và tình trạng lỏng lẻo trong quản lý chó mèo và số hộ nuôi chó mèo, Bộ NN&PTNT năm 2012 đã đưa ra quy định thành lập đội chuyên bắt giữ chó mèo thả rông ở các đô thị, khu dân cư đông đúc. Bộ NN&PTNT cũng quy định chủ vật nuôi phải thực hiện đăng ký chó với UBND xã, phường được cấp số" - luật sự Trần Cao Ly Tao cho biết.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT – BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì người nuôi chó có trách nhiệm thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để cho đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh công cộng. Trường hợp người bị súc vật thả rông tấn công chủ sở hữu phải bồi thường hoàn toàn thiệt hại cho người bị súc vật cắn, đối với những trường hợp nghiêm trọng chủ sở hữu có thể bị xử phạt hành chính vì không quản lý được thú nuôi của mình. |