Các chuyên gia cho rằng Việt Nam (VN) đang có nhiều cơ hội tốt để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt từ các “ông lớn” Hàn Quốc đang tìm hiểu đầu tư mạnh vào VN.
Công nghiệp điện tử là một trong những lĩnh vực đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi cùng bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) điện tử (VEIA).
|
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) điện tử (VEIA). |
Nhiều DN lớn Hàn Quốc mở rộng đầu tư ở VN
. Phóng viên: Thưa bà, VEIA nhìn nhận gì về việc các tập đoàn điện tử Samsung Electronics, LG sau hàng chục năm chọn VN làm cứ điểm sản xuất đã công bố tiếp tục đầu tư hàng chục tỉ USD vào thị trường này?
+Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Trong chiến lược riêng của Samsung hay LG, họ đã đặt cứ điểm sản xuất tại VN và đánh giá thị trường này là vị trí lý tưởng về nhiều mặt. Do đó, VN sẽ là nơi thay thế khá phù hợp khi dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn này từ nước khác sang.
Trong hơn 200 DN tháp tùng tổng thống Hàn Quốc sang thăm VN vừa qua có Samsung và LG. Đây là các tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực điện tử chiếm vốn FDI lớn nhất trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở VN. Đáng chú ý, Samsung đã thông báo đến nay tổng vốn đầu tư tại VN 18,5 tỉ USD. LG Innotek cũng công bố đã đầu tư tại VN trên 11 tỉ USD.
Khi các tập đoàn điện tử Hàn Quốc mở rộng đầu tư đúng là cơ hội cho DN VN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của họ. Từ đó giúp nâng vị thế của DN Việt trong chuỗi cung ứng và có những cơ hội mới để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn này.
Cần nâng cao năng lực người lao động
. Bà vừa nhắc đến chuyển giao công nghệ, thực tế chúng ta nhận được công nghệ cốt lõi gì từ sự hợp tác này?
Ngày 26-6, UBND TP Hải Phòng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam. Theo đó, LG Innotek mở rộng quy mô đầu tư cho nhà máy sản xuất hiện có tại Khu công nghiệp Tràng Duệ thêm 1 tỉ USD.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết hiện tại Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN với tổng số vốn đăng ký khoảng 81,5 tỉ USD.
+ Công nghệ lõi được ví như “máu”, tất nhiên DN FDI không dễ chuyển giao. Chẳng hạn, Samsung sản xuất ra điện thoại thông minh tại VN nhưng không phải họ sẽ chuyển giao công nghệ này cho DN Việt. Chúng ta cần nhìn nhận về chuyển giao công nghệ theo hướng mở hơn chứ không chỉ là công nghệ lõi.
Theo đó, khi trở thành nhà cung ứng, DN Việt từ từ tiếp nhận những công nghệ của DN FDI như công nghệ tổ chức sản xuất, mua sắm, quản trị nguồn nhân lực; công nghệ quản trị minh bạch, điều hành sản xuất hiệu quả.
Ví dụ, để trở thành nhà cung cấp cho Samsung, LG, DN VN phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí của đơn vị đầu chuỗi; phải thực hiện quy trình tổ chức sản xuất lắp ráp vận chuyển mua sắm hàng hóa cũng như quản trị DN minh bạch.
Việc tiếp nhận công nghệ cốt lõi cần thời gian nhất định và nguồn nhân lực VN đủ lớn mạnh, trưởng thành mới tiếp nhận được.
. Đó là lý do nhiều ý kiến cho rằng trong chuỗi cung ứng DN Việt chỉ mới tham gia ở công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất là lắp ráp và là điều đương nhiên để DN Việt dần tiến tới làm chủ được chuỗi cung ứng. Bà có cùng quan điểm này không?
+ Tôi cho rằng quan điểm này vừa đúng vừa chưa đúng. Thực tế hiện nay DN Việt đang tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các “ông lớn” ở mức thấp nhất là công đoạn lắp ráp.
Vì thế ngành công nghiệp điện tử VN có đặc thù là tập trung vốn, tập trung công nghệ, tập trung lao động. Trong khi đó, đối với các nước nếu là ngành công nghiệp tập trung vốn, tập trung công nghệ chứ không tập trung lao động. Đây là một trong những lợi thế của VN nhưng yếu tố này không còn lâu dài do dân số già hóa nhanh.
Hơn nữa, chúng ta tự hào nhân công đông, giá rẻ nhưng trình độ công nghệ DN Việt chưa cao. Nếu chúng ta muốn nâng cao giá trị, vị thế trong chuỗi cung ứng thì phải nâng cao năng lực người lao động. Đây là vấn đề các DN, hiệp hội rất quan tâm.
DN Việt đang nỗ lực không ngừng
. Liệu DN Việt có mãi dừng ở khâu lắp ráp trong chuỗi cung ứng không, thưa bà?
+ Chúng ta đang tham gia chuỗi cung ứng ở giai đoạn đầu tiên và DN đang tiến lên. Đơn cử năm 2016 khi Samsung bắt đầu tổ chức sản xuất ở VN và tìm kiếm các nhà cung cấp thì chỉ có từ một đến hai DN Việt là nhà cung cấp cấp 1.
Đến tháng 12-2022, Samsung báo cáo họ có 51 nhà cung ứng cấp 1 là DN Việt, có 207 nhà cung ứng nội địa. Qua đó cho thấy DN Việt đang nỗ lực không ngừng. VN sẽ không mãi lẹt đẹt ở khâu lắp ráp nhưng nếu chúng ta tự hài lòng với những gì đang có thì sẽ tụt hậu. Đặc biệt công nghiệp điện tử là một trong những ngành tiên tiến, có tốc độ thay đổi công nghệ nhanh nhất. Do đó, chúng ta phải thường xuyên cập nhật nâng cấp nhân lực mới bắt kịp được.
|
LG là một trong những tập đoàn lớn của Hàn Quốc có xu hướng mở rộng sản xuất ở Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN |
. Vậy DN Việt cần có những thay đổi nào, thưa bà?
+ DN chúng ta đang vướng phải “trần kính” là nguồn nhân lực, năng lực vốn và công nghệ. Đơn cử, vào năm 2012 phía Hàn Quốc cam kết tặng 100 công nghệ lõi, trong đó có nhiều công nghệ liên quan đến điện tử và công nghệ liên quan trực tiếp đến sản xuất điện thoại thông minh. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có DN Việt nào có đủ nguồn nhân lực, công nghệ để tiếp nhận.
VN có thể bước xa hơn trong chuỗi cung ứng hoặc có thể tiếp nhận công nghệ cao hoàn toàn phụ thuộc vào chính DN Việt.
Cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước
. Thưa bà, vì vướng “trần kính” trên nên nhiều DN nước ngoài đã mở rộng chuỗi cung ứng sang Ấn Độ, Indonesia?
+ Đối với các big tech (DN khổng lồ về công nghệ) hiện nay VN vẫn chiếm một vị trí trọng yếu. Tuy nhiên, đây là cảnh báo sớm vì các ông lớn có thể nhìn sang các nước xung quanh, họ sẽ đầu tư theo chiến lược phân bố rủi ro, không bỏ trứng vào một giỏ. Bên cạnh đó, họ luôn tìm kiếm thị trường mới, những nơi có đủ nguồn nhân lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Ví dụ, chúng ta muốn có một phần sản xuất tại VN thì phải nâng cao trình độ công nghệ, nhân lực. Trong khi DN Việt chủ yếu vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận vốn đang hạn chế. Do đó, cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức thứ ba để hỗ trợ DN.
. VN đang thực hiện chiến lược đến năm 2025, việc thu hút FDI từ các quốc gia châu Á; G20, Mỹ, châu Âu… sẽ không chỉ là vốn mà còn là chuyển dịch công nghệ. Theo bà, để hiện thực hóa mục tiêu đề ra VN cần có những chính sách cụ thể nào?
+ Các quốc gia xung quanh VN có nhiều chính sách nâng cao năng lực cho DN cũng như thu hút FDI. Chúng ta hãy nhìn sang Indonesia có chính sách thu hút FDI về xe điện, rất ưu đãi cho các big tech đầu tư vào xe điện.
VN đang chịu sức ép cạnh tranh thu hút các FDI chất lượng. Nếu không có chính sách thu hút FDI bài bản, chắc chắn, có khả năng chúng ta không thể đón nhận những công nghệ cao do chúng ta không đủ năng lực.
. Xin cảm ơn bà.
Cơ hội phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đã được thành lập là thành quả hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ của hai quốc gia.
VKIST bồi dưỡng tài năng về công nghệ phần mềm và công nghệ số; phát triển các linh kiện trong dòng điện thoại gập thông minh. Đáng chú ý, VKIST có những chương trình hỗ trợ đào tạo tài năng trẻ VN.
|
Một siêu thị điện máy ở Việt Nam cung cấp sản phẩm Samsung của Hàn Quốc. Ảnh: T.UYÊN |
Một số DN khoa học công nghệ Hàn Quốc tại VN đã sản xuất, chế tạo linh kiện khớp nối… Họ cũng tổ chức sản xuất quy mô khá lớn như Công ty Vatech Hàn Quốc với 9.000 nhân viên.
Samsung cũng vừa thành lập Trung tâm R&D, nơi nuôi dưỡng tài năng và liên tục tuyển dụng tài năng công nghệ, sinh viên công nghệ mới ra trường từ các trường ĐH của VN. Đây cũng là cơ hội phát triển nguồn nhân lực cho VN.