KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3.2.1930 – 3.2.2015)

Để lòng dân - ý Đảng gặp nhau

“Tôi nghĩ rằng nhân dân với Đảng phải tin nhau, vì nhau, cùng xây dựng và có trách nhiệm với nhau thì chắc chắn sẽ giải quyết được mối quan hệ lòng dân - ý Đảng. Mặt trận sẽ là cầu nối để mối quan hệ này xích lại gần nhau hơn”. Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc miền núi, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày 25-1.

Nói ít làm nhiều

. Phóng viên:Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, sự gắn bó mật thiết giữa ý Đảng và lòng dân đã làm nên sức mạnh to lớn xuyên suốt. Trong bối cảnh hiện nay, làm sao để giữ gìn điều đó và vai trò của MTTQ trong việc gắn kết này như thế nào, thưa ông?

+ Ông Lù Văn Que: Đúng là trước đây Đảng với nhân dân gắn bó với nhau như máu thịt mới tạo nên sức mạnh đánh thắng những thế lực hùng mạnh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tạo nền móng quan trọng để xây dựng cuộc sống ngày hôm nay. Nhưng hiện nay trong thực tiễn có những vấn đề giữa lòng dân và ý Đảng chưa hợp nhau lắm. Bây giờ chúng ta phải biết phát huy những cái đã hợp với nhau. Trách nhiệm của mặt trận là phải làm cho lòng dân gặp ý Đảng, tức là mặt trận phải tìm hiểu tại sao anh không hợp, nguyên nhân là do cái gì. Từ đó chúng ta sẽ bàn cách xử lý. Nếu đó là vấn đề của dân thì mặt trận phải bàn với dân, nâng cao hiểu biết của dân lên để người dân thấy được vấn đề. Về phía Đảng, nếu Đảng không nắm hết thông tin thì mặt trận phải trình bày với Đảng cho rõ những tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, vấn đề sẽ được giải quyết. Không có cái gì là không giải quyết được.

. Hiện nay chúng ta đã nhìn nhận niềm tin của người dân đang giảm sút khi có nhiều bức xúc trước tiêu cực, tham nhũng, trong khi hiệu quả của mặt trận này vẫn chưa đạt yêu cầu. Theo ông, đối với vấn đề này cần phải làm gì để củng cố niềm tin trong nhân dân về quyết tâm của Đảng?

+ Để người dân yên tâm và tin tưởng thì chúng ta phải nói ít làm nhiều, làm cho có hiệu quả. Đặc biệt trong vấn đề khiếu nại tố cáo, chúng ta phải giải quyết đến nơi đến chốn cho người dân.

Niềm tin của dân càng dâng cao khi Đảng ngày càng gần dân. Ảnh: HTD

Mới đây câu chuyện xây tháp hải đăng Marina kết hợp kinh doanh nghỉ dưỡng trên sông Hàn cũng cho thấy sự gặp nhau giữa lòng dân - ý Đảng. Đó là khi người dân phản ứng về những bất hợp lý của nó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ quyết định cho dừng dự án luôn. Một quyết định sáng suốt và hợp lòng dân của ông bí thư đã làm cho dân tin, không còn dấy lên sự bất bình nữa.

Bây giờ người dân bức xúc nhiều về tham nhũng. Dân chỉ mong, tham nhũng thời nào cũng có nhưng không thể cứ để phát triển tràn lan, trở thành quốc nạn được. Muốn giải quyết, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy phải để nhân dân tham gia giám sát công cuộc phòng, chống tham nhũng: Phải tổ chức vận động nhân dân nhưng phải có cơ chế khuyến khích người dân phát hiện và bảo vệ họ, có chế độ khen thưởng xứng đáng. Trong trường hợp người dân phát hiện một quan chức to có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan nhà nước phải điều tra, nếu đúng phải xử lý nghiêm.

Thời gian qua chúng ta làm chưa thật sự hiệu quả do chưa tựa một cách chắc chắn vào dân. Đây là một việc ý Đảng và lòng dân cần phải gặp nhau. Đảng phải tin dân thì dân mới tin Đảng, không có gì qua được tai mắt của nhân dân đâu. Hiện nay chúng ta có gần năm triệu đảng viên, từng đó làm gì bằng tai mắt của hàng chục triệu nhân dân. Không ai có thể thoát ly được nhân dân đâu. Cho nên chúng ta phải tin vào dân, dựa vào dân và hành động đi cho dân thấy chứ đừng hô hào chung chung. Các cấp có trách nhiệm hô hào nhiều rồi nhưng bây giờ phải thể hiện bằng cơ chế đi, tổ chức cho dân phát hiện như thế nào, khi dân phát hiện rồi anh xử lý, bảo vệ dân ra sao phải thể hiện rõ.

Phải mạnh tay với cán bộ tiêu cực, quan liêu

. Thưa ông, đảng viên được xác định là những người tiên phong, gương mẫu. Những cán bộ, đảng viên nào tạo ra những hình ảnh không đẹp ảnh hưởng đến uy tín của Đảng cần phải được xử lý thích đáng, đó chính là bảo vệ sự trong sạch của Đảng. Theo quan sát của ông, thực tế hiện nay điều này được thực hiện ra sao?

+ Có những xử lý chưa nhận được sự đồng tình trong dân chúng. Cụ thể trong việc xử lý ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ), lòng dân vẫn chưa đồng tình. Hôm tôi đi Đà Nẵng, một vị cán bộ ở Hội Người cao tuổi tỉnh Bến Tre (lúc đó Ban Bí thư chưa có quyết định xử lý ông Truyền) bảo: “Đang chờ xử lý vụ ông Truyền như thế nào, nếu xử lý hợp lòng dân thì không có ý kiến gì cả, còn nếu không hợp thì sẽ có ý kiến lại”. Cuối cùng ông Truyền chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, dù là một bước tốt nhưng theo tôi là vẫn còn chưa tương thích lắm.

Trên thực tế có nơi này nơi kia không ít vụ xử lý cán bộ còn có sự nể nang. Hệ quả của điều này cần phải được nhận diện một cách thích đáng để có những điều chỉnh xác đáng hơn.

. Một trong những vấn đề người dân thường bức xúc nhiều là hiện tượng cán bộ xa dân, quan liêu, cửa quyền vẫn còn tồn tại không ít. Theo ông, Đảng cần quyết liệt chấn chỉnh điều này như thế nào?

+ Nhân dân cần người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đứng đầu các địa phương biết nghĩ và biết lo cho dân. Khi có niềm tin giữa người cán bộ và người dân rất thuận lợi cho công việc. Hình ảnh người cán bộ quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh, xa rời dân trong các cơ quan công quyền phải xóa bỏ ngay.

Biện pháp không còn cách nào khác là giáo dục cán bộ theo tư tưởng của Bác Hồ: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và cán bộ là công bộc của dân. Cán bộ phải là công bộc của nhân dân chứ không phải đưa anh lên để làm quan của dân. Giáo dục không được thì phải thay ngay.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm